LỜI NÓI ĐẦU

Chúng ta đang sống trong  một xã hội loài người đã có những bước tiến vô cùng to lớn trong tất cả mọi mặt : Kinh tế, chính trị, khoa học kĩ thuật và nghệ thuật, một xã hội văn minh và tiến bộ, một xã hội nơi khoa học và lí tính của sự vật lẫn con người luôn được đặt trên hàng đầu. Nhưng trong sự văn minh và tiến bộ đó, trong nơi khoa học và lí tính đó, chúng ta vẫn còn sự tồn tại của một hình thái ý thức loài người được xem là kém tiến bộ, kém khoa học và kém lí tính: Tôn Giáo. Thậm chí nó mạnh mẽ và không hề có xu hướng mất đi.

Mặt  khác vai trò của Tôn Giáo trong đời  sống xã hội  ngày càng thể hiện rõ nét , Tôn Giáo tham gia vào rất nhiều lĩnh vực của đời sống tinh thần , các Tôn Giáo lớn thường không chỉ ảnh hưởng sâu sắc trong phạm vi một quốc gia riêng lẻ mà tầm ảnh hưởng còn mang tính quốc tế. Vì sao?

Trong sự nghiệp xây dựng CNXH ở nước ta hiện nay, vấn đề Tôn Giáo hiện nay đã được Đảng và Nhà nước ta xem xét, đánh giá lại trên quan điểm khách quan, không xoá bỏ một cách duy ý chí mà nhìn nhận trên quan điểm phát huy những mặt tích cực, gạt bỏ những mặt tiêu cực trong các Tôn Giáo.

Trong bài tiểu luận ngắn này, bằng phương pháp luận Marxist, tác giả mong muốn làm rõ tính cơ sở sức sống mãnh liệt của Tôn Giáo bằng việc phân tích vị thế quan trọng của Tôn Giáo trong ba mối quan hệ: vị thế trong kết cấu kinh tế xã hội, vị thế trong kết cấu văn hóa, vị thế trong nhu cầu con người.

Vì tính hạn hẹp của tiểu luận, tác giả chỉ làm rõ tầm quan trọng của Tôn Giáo trong ba hệ thống trên. Hạn chế của tác giả là chưa phát triển được các ý kiến về thái độ ứng xử của nhà nước về Tôn Giáo dựa trên vị thế của Tôn Giáo đang được phân tích.

 


  1. 1.     Vị thế Tôn Giáo trong kết cấu kinh tế – xã hội:  

Theo quan niệm truyền thống Marxist, Tôn Giáo, chính trị, triết học, đạo đức, nghệ thuật được xếp chung vào thành phần cấu trúc kiến trúc thượng tầng của xã hội, kiến trúc thượng tầng này chịu sự tác động và qui định của cơ sở hạ tầng là toàn bộ quan hệ sản xuất hợp thành cấu trúc kinh tế của xã hội đó.

Kiến trúc thượng tầng là toàn bộ những quan điểm chính  trị, pháp quyền, triết học, đạo đức, Tôn Giáo, nghệ thuật, v.v. cùng với những thiết chế xã hội tương ứng như nhà nước, đảng phái, giáo hội, các đoàn thể xã hội, v.v. được hình thành trên cơ sở hạ tầng nhất định[1]

Như vậy, theo quan niệm này, Tôn Giáo và chính trị có mối quan hệ đồng đẳng với nhau so với cơ sở hạ tầng. Nhưng còn mối quan hệ giữa chúng với nhau một cách độc lập, một cách riêng biệt chỉ hai đối tượng này thì sẽ như thế nào?

Chính trị là quan hệ giữa các giai cấp[2]. Trong toàn bộ tiến trình lịch sử đã qua, cả nhân loại đã chứng kiến có những giai đoạn Tôn Giáo đã gắn liền với chính trị.

Các hoàng đế Trung Quốc lấy căn cứ quyền của họ từ Thiên mệnh. Giáo hội Công giáo Roma đã thống trị phần lớn châu Âu cho đến cuộc Cải cách Tin lành. Hiện nay Tôn Giáo đóng nhiều vai trò khác nhau tại nhiều nơi trên thế giới:

  • Tôn Giáo cách ly: tại một số quốc gia như Hoa KỳCanadaPhápViệt Nam… hiến pháp cách ly Tôn Giáo và nhà nước. Các quốc gia này thường cho phép người dân tự do tín ngưỡng, nhưng không công nhận bất cứ Tôn Giáo nào để khỏi bị xem là thiên vị. Tuy nhiên, tại Hoa Kỳ, khi một tổng thống nhậm chức, tổng thống phải đặt tay lên cuốn kinh thánh để tuyên thệ
  • Quốc giáo: Một số quốc gia có một quốc giáo, một Tôn Giáo được nhà nước công nhận là chính thức và nhận thuế từ dân, tuy nhiên người dân vẫn được phép tự do tín ngưỡng. Trong các nước này gồm có một số quốc gia Islam, Công Giáo hay những quốc gia như Thái Lan (Phật giáo), Anh (Anh giáo).
  • Thần quyền: Tại một số quốc gia điển hình là Iran, Vatican, Tôn Giáo và chính quyền là một.[3]

Như vậy, có thể thấy Tôn Giáo và chính trị có thể chuyển hóa lẫn nhau, hoặc kết hợp với nhau trong mối quan hệ của chúng. Trong mối quan hệ này, dù Tôn Giáo có kết hợp với chính trị hay Tôn Giáo có sự độc lập của riêng nó thì trong nội tại của Tôn Giáo cũng hình thành nên các hệ thống có thể gọi là nền đạo đức Tôn Giáo ( giáo lí), nền nghệ thuật Tôn Giáo, nền pháp luật của Tôn Giáo ( điều răn), nền triết học của Tôn Giáo ( thần học).

Từ đó, ta có thể thấy sức ảnh hưởng của Tôn Giáo là vô cùng rộng lớn. Nó có thể khiến tất cả các hình thái của kiến trúc thượng tần khác nó qui phục và phục tùng cho nó. Điều này khiến ta phải đặt câu hỏi rằng: “ Liệu chăng Tôn Giáo cũng là một yếu tố của cơ sở hạ tầng[4] ngoài kinh tế như chúng ta đã biết?”

Toàn bộ những quan hệ sản xuất ấy hợp thành cơ cấu kinh tế của xã hội, tức là cái cơ sở hiện thực trên đó dựng lên một kiến trúc thượng tầng pháp lý và chính trị và những hình thái ý thức xã hội nhất định tương ứng với cơ sở hiện thực đó. Phương thức sản xuất đời sống vật chất quyết định các quá trình sinh hoạt xã hội, chính trị và tinh thần nói chung.[5]

Một nền kiến trúc thượng tầng nhất định được xây trên một cơ sở hạ tầng tương ướng với nó, điều đó đồng nghĩa là nếu nền cơ sở hạ tầng cơ sở thay đổi thì các kiến trúc thượng tầng cũng phải thay đổi theo để phù hợp sự quan hệ biện chứng của chúng. Điều này là hoàn toàn đúng. Tiến trình lịch sử đã chứng minh điều đó.

Nhìn lại lịch sử, chúng ta hoàn toàn có thể hiểu rằng, một nền sản xuất dựa trên quan hệ chủ nô – nô lệ thì luôn cần một hệ thống pháp luật tức là nền chính trị, nền quản lí cũng như các tư tưởng triết học phục vụ và hợp lí hóa nó. Tương tự như vậy cũng thể hiện ở quan hệ địa chủ – nông dân hay vô sản – tư sản.

Một hệ thống nhà nước thành bang Hi Lạp – La Mã là cần thiết cho nền sản xuất thủ công tự cung tự cấp và trao đổi thô sơ, nơi mà mỗi thành bang là một nền dân chủ tự quản với hội đồng được bầu cử, cùng với nền triết học nảy sinh để duy trì cho sự quản lí trật tự xã hội đó. Cũng như thế, một nền triết học khai sáng cũng như một nền chính trị quản lý tập trung là việc cần thiết cho sự mở màn cũng như duy trì tính hợp lí của nền sản xuất đại công nghiệp mà sau này là Tư Bản chủ nghĩa ( TBCN). Và càng đúng đắn hơn khi quan hệ sản xuất ( QHSX) TBCN bắt đầu có dấu hiệu cần một nền QHSX khác thay thế nó thì triết học Marxist ra đời nhằm đáp ứng nhu cầu thời đại đó.

Tóm lại, khi một nền kinh tế thay đổi tức là quan hệ sản xuất được thay đổi thì các kiến trúc thượng tầng đặt lên nó cũng thay đổi theo. Và đây là yếu tố làm nên tính hạ tầng của kinh tế và biến nó thành cơ sở cho toàn bộ ý thức con người đặt trên nó.

Thế nhưng, Tôn Giáo – sản phẩm của ý thức con người – dường như nằm ngoài qui luật đó. Tôn Giáo vẫn là chính nó dẫu cho sự thay đổi về kinh tế hay quan hệ sản xuất là gì đi chăng nữa. Phật giáo vẫn là Phật Giáo dù có đến đâu, có đi đến quốc gia, có đi đến chế độ chính trị nào đi chăng nữa. Thiên Chúa Giáo vẫn là Thiên Chúa Giáo dù nó ở quốc gia Vatican hay ở Việt Nam thậm chí Cambodia nữa. Bản chất của Tôn Giáo vẫn không thay đổi cho dù ở bất kì nền kinh tế nào hay ở một quốc gia sở hữu quan hệ sản xuất nào.

Tức là với Thiên Chúa Giáo thì việc kính mến Thiên Chúa và mong chờ sự cứu rỗi của Ngài là một việc làm bất biến của tín hữu cũng như đó là tính chất bất biến khi nói về Thiên Chúa Giáo. Hay như  Phật Giáo, dù trải qua chế độ chính trị nào hay quan hệ kinh tế như thế nào, với sự biến đổi như thế nào thì trung tâm của Phật Giáo vẫn là sự giải thoát. Sự phân li giáo phái, sự thay đổi hình thức thờ tự hay tu luyện tất cả vẫn xoay quanh vấn đề giải thoát bản thân khỏi bể khổ cuộc đời. Như với Islam là phụng sự ALLAH hay Khổng Giáo là việc tu thân. Tất cả các Tôn Giáo vẫn không thay đổi về bản chất trong suốt chiều dài lịch sử.

Như thế, Tôn Giáo có một sự độc lập rõ ràng so với kinh tế? Và như thế, cùng với sự tác động bao trùm với các thành tố kiến trúc thượng tầng khác, Tôn Giáo đã cho thấy rằng nó cũng có thể đóng vai trò như một cơ sở hạ tầng mà toàn bộ kiến trúc thượng tầng hoàn toàn có thể đặt trên nó.

Đúng vậy, sự thật rằng có thể toàn bộ hệ thống kiến trúc thượng tầng hoàn toàn đặt trên nền tảng Tôn Giáo, chịu sự chi phối của Tôn Giáo, thế nhưng con người hoàn toàn có thể sống thiếu Tôn Giáo nhưng không thể sống nếu thiếu nền kinh tế. Nói cách khác, nền kinh tế là sự tất yếu khách quan của con người và là nền tảng của toàn bộ ý thức con người trong khi đó Tôn Giáo có thể là nền tảng của toàn bộ ý thức con người nhưng nó không mang tính khách quan, tất yếu như kinh tế. Chính vì tính không tất yếu đó mà mọi con người đều cần kinh tế chứ không thể có vấn đề mọi con người đều cần Tôn Giáo.

Mặt khác, Tôn Giáo tuy không chịu thay đổi toàn diện từ kinh tế như các bộ phận kiến trúc thượng tầng khác, nhưng không nó vẫn phải chịu sự ảnh hưởng nhất định từ kinh tế mang lại. Nó – Tôn Giáo – vẫn phải cần kinh tế để duy trì chính bản thân nó, vẫn phải cần kinh tế để phát triển bản thân nó lớn mạnh. Không một thực thể xã hội nào không cần đến sự hậu thuẫn từ kinh tế cho sự tồn vong và phát triển của nó.

Nhìn lại lịch sử, loài người dễ dàng thấy được sự thật đã diễn ra như thế. Tại Việt Nam, trong cuộc chiến kháng chiến chống Mỹ, với nền kinh tế tự cung tự cấp, đời sống còn nhiều khó khăn, quan hệ kinh tế còn chưa phát triển mạnh, thì nền Tôn Giáo ở nước Việt Nam dân chủ cộng hòa gần như hoang phế. Nhà thờ, nhà chùa, nơi thờ tự không còn ai lai vãng, có chăng cũng chỉ là những kí ức cho những người già hoài niệm. Thế nhưng nền kinh tế phát triển, con người được giải phóng khỏi những lo toan vật chất thông thường, thì Tôn Giáo lại được phép bám rễ và sinh sôi. Nhìn xa hơn, ngay cả một nhà nước thần quyền như Vatican cũng phải hòa nhập nền Tôn Giáo của mình trong hệ thống kinh tế để tồn tại. Những ngân hàng, những dịch vụ du lịch nở rộ trên mảnh đất Vatican không nhằm mục đích tối thượng nào khác ngoài sự duy trì sự tồn tại của nhà nước Tôn Giáo hay nói cách khác là Tôn Giáo đó.

Vì lẽ đó, dẫu rằng Tôn Giáo có một quyền lực bao trùm, tác động mạnh mẽ đến các bộ phận kiến trúc thượng tầng khác thế nhưng nó cũng không thể độc lập toàn bộ cũng như ngang hàng về sự ảnh hưởng như kinh tế trong cấu trúc cơ sở hạ tầng. Dẫu rằng, nếu xem nền kinh tế là cách phản ứng vật chất của con người đối với hiện thực tự nhiên, hiện thực xã hội và Tôn Giáo là cách phản ứng tinh thần của con người đối với những điều đấy – thoạt nhìn thì đồng đẳng nhau đấy – thì sự đồng đẳng cũng không thể diễn ra, ngay cả trong ý niệm hay lẫn trong hiện thực.

Tôn Giáo không thể là một cơ sở hạ tầng của xã hội như kinh tế. Có chăng, nó là một kiến trúc thượng tầng đặc biệt mà nơi đó, sự ảnh hưởng của nó là lớn lao, là mạnh mẽ để những thứ xung quanh nó có thể bị biến đổi vì nó. Đấy là một mối quan hệ biện chứng mà ta không thể nào chối bỏ.

Nhưng không phải vì chứng minh được Tôn Giáo không phải là cơ sở hạ tầng mà chỉ là kiến trúc thượng tầng như bao thành tố khác mà ta có thể bỏ qua nó, không quan tâm đến nó. Như đã trình bày, dẫu tồn tại với tư cách là kiến trúc thượng tầng nhưng sức ảnh hưởng của nó là vô cùng sâu rộng và bao trùm. Trong sự sai lạc của mình, con người có thể không nhận ra sự chi phối của kinh tế nhưng luôn nhận ra được sự chi phối của Tôn Giáo lên bản thân mình. Điều này là hoàn toàn hợp lẽ. Kinh tế mang tính khách quan nên về cảm giác nên con người hoàn toàn có thể cảm giác xa lạ với nó trong khi Tôn Giáo mang tính chủ quan nên con người hoàn toàn có thể cảm giác gần gũi với nó.

Vì lẽ đó, định hình được vị thế quan trọng này của Tôn Giáo trong mối tương quan của cấu trúc kinh tế – xã hội ( nói cách khác là tương quan cơ sở hạ tầng và kiến trúc thượng tầng) ta càng buộc phải chú ý đến những tác động của nó đến cả đối với nền kinh tế và cả với các bộ phận KTTT khác, đặc biệt là chính trị.

  1. 2.     Vị thế Tôn Giáo trong quan hệ văn hóa:

Tôn Giáo bên cạnh việc tồn tại và quan hệ trong cấu trúc kinh tế – xã hội tức hệ thống cơ sở hạ tầng và kiến trúc thượng tầng đó thì nó còn tồn tại trong mối quan hệ khác là văn hóa. Văn hóa có nhiều cách hiểu, cách định nghĩa cũng như cách sử dụng, trong văn cảnh này, văn hóa có thể hiểu chung qui là nền tập quán các hành vi ứng xử của con người cả đối với xã hội lẫn tự nhiên.

Trong thực tế, rất khó tách biệt một hành vi văn hóa xã hội nào là trần tục, hành vi là Tôn Giáo dẫu rõ ràng có thể biết rõ tính trần tục lẫn tính Tôn Giáo trong hành vi đó. Có thể lấy ví dụ ở nước ta, trong xã hội cổ truyền của các cư dân Trường Sơn – Tây Nguyên, nơi còn bảo lưu nhiều yếu tố của xã hội văn hóa nguyên thủy. Một cộng đồng buôn làng được cố kết với nhau bằng những lễ thức mang tính Tôn Giáo, một luật tục do thần linh qui định. Địa giới của làng là bất khả xâm phạm, được dân làng coi là thiêng liêng vì là đất tổ ông bà để lại. Hồn của các thành viên trong làng kể khi lúc sống hay lúc chết không chỉ gói gọn trong thân xác mà còn hiện hữu trong tất cả vật thể tồn tại trong ranh giới buôn làng. Vì thế, đối diện với đời sống hiện nay, người Trường Sơn – Tây Nguyên ngỡ ngàng vì tâm thức Tôn Giáo của họ có sự khác lạ. Ví dụ, họ từ chối một căn nhà do nhà nước xây cho, do không có bàn tay của bản thân họ xây dựng, với sự tham gia của thành viên cộng đồng buôn làng, vì với họ không thể sống trong căn nhà không có hồn.[6]

Không chỉ ở phạm vi các cư dân Trường Sơn – Tây Nguyên như trình bày trên, cánh tay của Tôn Giáo còn vươn dài trong toàn bộ cấu trúc văn hóa của một dân tộc. Từ những di tích văn hóa hữu hình đến lối sống văn hóa vô hình, Tôn Giáo đều hoàn toàn có thể thâm nhập cùng nó và phát triển. Chúng ta có thể nhìn sang Ấn Độ, nơi văn hóa và Tôn Giáo gần như là một. Chúng ta có thể nhìn sao Tôn Giáo Islam, bất kì là người chủng tộc nào khi tham gia vào Islam giáo đều bị chuyển hóa hoàn toàn tính văn hóa của bản địa của mình vào nền văn hóa Islam.

Những gì có thể chuyển hóa cho nhau bắt buộc phải có sự tương đồng về chất. Tôn Giáo và văn hóa là hai đối tượng đúng với qui luật này.

Nhưng nói như thế, không có nghĩa Tôn Giáo có sự áp chế lấn lướt so với văn hóa, biến văn hóa thành nô tì của mình. Sự tác động nào cũng có tính biện chứng của nó. Nếu văn hóa bản địa không đủ nội lực bản thân chống chọi trước sự du nhập của Tôn Giáo thì bị Tôn Giáo cải hóa, và ngược lại, nếu văn hóa bản địa đủ nội lực bản thân chống chọi trước sự du nhập của Tôn Giáo thì chính Tôn Giáo lại bị cải hóa.

Minh chứng cho vấn đề trên, chúng ta có thể nhìn lại nền Phật Giáo bị cải hóa thế nào khi du nhập vào Trung Hoa. Lối tu hành khất thực truyền thống của Phật Giáo khi du nhập vào Trung Quốc, nó hoàn toàn bị đánh bật khỏi quốc gia này, vì lẽ ở Trung Quốc việc đi khất thực là dành cho tầng lớp cái bang, trong khi đó ở Ấn Độ, việc khất thực là việc minh chứng cho sự giác ngộ, vứt bỏ đỉnh cao của người tu tập. Vì lẽ tồn tại của mình, Phật Giáo dần dần bỏ hẳn tục lệ khất thực ấy trên đất Trung Hoa và cải hóa nó thành nền Phật Giáo với chùa tự như chúng ta đã thấy. Cũng như thế, khi Thiên Chúa Giáo du nhập vào Việt Nam, để có thể tồn tại trong nền văn hóa bản địa này, Thiên Chúa Giáo Việt Nam đã có sự cải hóa trong việc dùng nhang lẫn dùng hương trong thờ tự thay vì chỉ dùng hương như các giáo hội như các quốc gia khác. Cũng ở Việt Nam, nếu nhìn vào tục ma chay hiện nay của nhân dân, chúng ta dễ dàng một sự hòa lẫn nhiều nền văn hóa trong buổi lễ ấy, có sự hiện diện của đạo thờ tổ tiên của người Việt bản địa, tức nghi lễ thiết kế theo nghi thức tang lễ có gốc từ sách “Văn công gia lễ” của Chu Hy đời nhà Tống, giản lược theo “Thọ mai gia lễ” của Hồ Sĩ Dương đời Lê có sự hiện diện của lễ cầu siêu của Phật Giáo, và thậm chí có văn hóa “ kèn Tây” mà đến nay vẫn không rõ xuất xứ từ nơi đâu.

Những điều trên, cho thấy văn hóa có sự tác động trở lại với Tôn Giáo như đã trình bày. Trong sự tác động qua lại, chúng ta có thể thấy được sự mềm dẻo của Tôn Giáo, và sự mềm dẻo này lại cho chúng ta thấy tính văn hóa tiềm ẩn trong Tôn Giáo, cái khiến cho nó có thể hòa lẫn vào các nền văn hóa bản địa cũng như các nền văn hóa nói chung tồn tại trong quốc gia mà nó du nhập vào.

Thực vậy, Tôn Giáo và văn hóa có mối quan hệ chặt chẽ và sâu rộng, cho nên nhiều hiện tượng văn hóa hình thành trong lịch sử nhân loại, trên thực tế là những loại hình khác nhau hình thành bởi sự kết hợp giữa tín ngưỡng – Tôn Giáo và đời sống xã hội. Chẳng hạn như Nho Gia của Trung Quốc, chế độ đẳng cấp ở Ấn Độ, đạo thờ tổ tiên của Việt Nam, tính bảo thủ lề luật của Do Thái,v..v…. đều đã hòa quyện thành một loại trật tự thần thánh và trật tự này mạnh đến mức khiến các mặt đời sống xã hội bị chi phối bởi nó.

Ở phương Tây cũng tương tự thế, nhưng Tôn Giáo phương Tây ( Châu Âu) không hề sùng bái một loại trật tự vĩnh hằng và hoàn mĩ mà tập trung vào một loại tinh thần được hình dung dưới dạng nhân tính, điều này khiến Tôn Giáo phương Tây không bị nằm trong hạn chế phạm vi Tôn Giáo thuần túy như phương Đông, vừa không bị bó buộc trong trật tự tinh thần cố định, và vừa có địa vị xã hội độc lập khiến cho nó có ảnh hưởng lâu dài đối với hoạt động lí trí và đời sống xã hội.[7] Điều này, đã được Max Webber làm rõ trong tác phẩm: “ Nền đạo đức Tin Lành và tinh thần của chủ nghĩa tư bản”.  Trong tác phẩm này, ông đã phân tích rất kĩ yếu tố “ nếu không có tinh thần trách nhiệm và ý thức đạo đức mà quan niệm Tôn Giáo ủng hộ thì cuộc cách mạng công nghiệp thời kì này căn bản không thể xảy ra”[8]

Như thế rõ ràng Tôn Giáo có “chất” văn hóa trong nội tại của nó, và nhờ vào tính văn hóa này, Tôn Giáo hoàn toàn có khả năng trở thành ý thức hệ chủ đạo quán triệt vào phong tục, tập quán, cách ứng xử, vào văn học nghệ thuật…. Nó góp phần tạo nên những nền văn minh hữu hình khác nhau, những thế giới trừu tượng khác nhau trong tâm thức con người,  tạo nên lối sống riêng của những dân cư chịu ảnh hưởng bởi nó.

Vấn đề Tôn Giáo và văn hóa có thể ví như một cái lưới quan hệ phức tạp và rộng lớn, nó làm cho phương thức đời sống xã hội liên hệ chặt chẽ với niềm tin tinh thần và quan niệm giá trị, những niềm tin tinh thần và quan niệm giá trị này được xem là phép tắc tối cao của đời sống xã hội, và chuẩn tắc tối cao của hành vi cá nhân và xã hội[9]

Chính tính văn hóa này, là điều tạo nên sức sống mãnh liệt của Tôn Giáo đối với chiều dài lịch sử hàng ngàn năm đã qua. Nhờ vào tính văn hóa mà Tôn Giáo bám rễ vào tâm thức con người, buộc con người gắn kết với Tôn Giáo một cách bị động bên cạnh việc chủ động đến với Tôn Giáo như chúng ta đã biết.[10]

Nắm bắt được vấn đề này, thấy được tính văn hóa trong nội thân Tôn Giáo, chúng ta hoàn toàn có thể lí giải được vì sao Tôn Giáo lại đồng hành với sự tiến bộ văn minh loài người – cái mà nếu chỉ dựa trên quan điểm Marxist truyền thống sẽ không thực hiểu được, thậm chí còn dẫn đến quan điểm sai lầm đã qua như: “ Khoa học càng tiến bộ, ánh sáng khoa học càng đẩy lùi vùng tăm tối của Tôn Giáo”.

  1. 3.     Vị thế Tôn Giáo trong nhu cầu của con người:

Tôn Giáo là một nhu cầu của con người. Điều này được minh chứng qua việc số lượng người gia nhập Tôn Giáo ngày càng tăng, dẫn đến số lượng tín đồ ở mỗi Tôn Giáo ngày càng phát triển. Chúng ta có thể xem bảng thống kê sau[11]:

 

Tôn Giáo

Tín đồ mới mỗi năm

Tỉ lệ phát triển

Christianity

25,210,195

1.36%

Islam

22,588,676

2.13%

Hinduism

12,533,734

1.69%

Buddhism

3,687,527

1.09%

Sikhism

392,638

1.87%

Judaism

124,515

0.91%

Baha’i

143,491

2.28%

Confucianism

44,305

0.73%

Jainism

34,951

0.87%

Shinto

-31,993

-1.09%

Taoism

25,242

1.00%

Zoroastrianism

58,471

2.65%

 

Không những thế, Engels trong tác phẩm Bruno Bauer và Kito giáo nguyên thủy[12] cũng khẳng định vấn đề này: “ Tôn Giáo được hình thành bởi những người cảm thấy nhu cầu Tôn Giáo trong bản thân họ cũng như cảm thấy nhu cầu Tôn Giáo cho quần chúng[13].”

Nhu cầu Tôn Giáo không phải ngẫu nhiên mà có mà chính nó là do những điều kiện tự nhiên và xã hội tạo nên. Nó thay đổi theo diễn biến xã hội. Nhu cầu đó vừa có tính cộng đồng, vừa có tính cá nhân, và được xuất phát từ sự mong muốn dựa vào sức mạnh thần bí siêu nhiên, để hỗ trợ cho bản thân trong cuộc chiến sinh tồn.

Qua cách tiếp cận duy vật của Engels và các nhà khoa học khác, chúng ta thấy được rằng trong xã hội nguyên thủy, con người yếu đuối trước sức mạnh siêu nhiên ( thậm chí cả sức mạnh của chính bản thân) thường phải viện vào các hình thức Tôn Giáo như phép màu, bùa yểm, các buổi tế lễ, v…v…. để xóa tan các nỗi sợ ấy. Điều này là một nhu cầu thiết yếu của cư dân cổ đại và dần dần thành lập nên các Tôn Giáo nguyên thủy như totem giáo, vật linh giáo như chúng ta đã biết. Đây là một nhu cầu cấp thiết để đảm bảo cho sự tồn tại ( xóa bỏ nỗi sợ hãi) của cư dân cổ. Không những thế, những Tôn Giáo nguyên thủy này còn góp phần tạo nên nền văn hóa cũng như lề luật xã hội cần thiết để duy trì sự sống còn của con người.

Tất cả những điều đấy, xuất phát từ nhu cầu tồn tại đã chuyển dần sang nhu cầu về mặt tâm thức của con người. Những khái niệm Thần Thánh gắn liền với giới tự nhiên bị rũ bỏ trở thành khái niệm rộng lớn hơn như Đấng Sáng Tạo, Đấng Cứu Thế, Đấng Tối Cao,v.v… Những khái niệm lớn hơn này không còn có tác dụng chữa lành nỗi sợ hãi đối với giới tự nhiên của con người mà chữa lành nỗi sợ hãi trong mối quan hệ người người, trong sự bất công của xã hội. Nhờ đây, mà các Tôn Giáo dân tộc như Phật Giáo, Thiên Chúa Giáo, Do Thái Giáo, v.v… được hình thành trong bối cảnh mất đi của các Tôn Giáo cổ đại.

Một thực tế, chúng ta cũng có thể nhận ra rằng, nhờ vào nhu cầu Tôn Giáo này mà con người có thể cải tạo Tôn Giáo từ Tôn Giáo vô thần thành Tôn Giáo hữu thần. Phật Giáo là minh chứng cho điều này. Từ một Tôn Giáo với tư cách là một trường phái của triết học Ấn độ, từ văn hóa Ấn mà nảy sinh khi du nhập qua các nước, Phật Giáo được dựng nên một hệ thống thần thánh bao gồm các bồ tát, các vị chư phật, các vị danh tăng. Những câu chuyện truyền thuyết được người đời sau dệt nên càng làm tăng ánh hào quanh thần thánh này của Phật giáo. Nhìn sang Thiên Chúa Giáo, chúng ta lại thấy hiện tượng phân li giữa Anh giáo và Công Giáo, nếu vì quyền lợi cá nhân của mình, Henry VIII đã tách li sự liên hệ của quốc gia đối với Giáo Hội Roma thì hẳn ông đã tiến tới xóa bỏ hẳn sự ảnh hưởng của Thiên Chúa Giáo đối với ngai vàng và đất nước ông. Nhưng không, Henry VIII vẫn duy trì Thiên Chúa Giáo trên đất nước mình, trên ngai vàng mình với cái tên Anh Giáo, vì lẽ Tôn Giáo thật sự đã ăn sâu vào văn hóa và dĩ nhiên trở thành nhu cầu không thể tách rời của nhân dân, (và tất nhiên, nó rõ ràng có tác dụng trong sự cai trị của hoàng đế). Lại nhìn về Thiên Chúa Giáo, sự phân li giữa Tin Lành và Công Giáo rõ ràng đến từ sự bất mãn của Martin Luther và tập thể các linh mục đối với sự thế tục của Giáo Hội lúc bấy giờ, nhưng Luther hay các linh mục này không thể xóa bỏ cái tâm thức Tôn Giáo chỉ vì biểu hiện thế tục của một số người đại diện cho Tôn Giáo. Thành ra, vì cái tâm thức không thể xóa bỏ này, họ lại sinh ra một Tôn Giáo khác phục vụ cho nhu cầu linh thiêng này của họ, và cho những người khác.

Như thế, rõ ràng chúng ta có thể thấy rằng Tôn Giáo hoàn toàn là một nhu cầu chính đáng, một nhu cầu về tâm linh, về sự thác gửi của con người. Dĩ nhiên có người hoàn toàn không có nhu cầu Tôn Giáo thế nhưng lượng người này không thể thoát khỏi một nhu cầu tâm thức linh thiêng nào đó, mà họ không hoặc không muốn gọi nó với cái tên: “ Tôn Giáo”[14].

Qua những phân tích và dẫn chứng vừa nêu trên, chúng ta có thể kết luận chắc chắn rằng: “Tín ngưỡng, Tôn Giáo là nhu cầu tinh thần của một bộ phận nhân dân, đang và sẽ tồn tại lâu dài trong quá trình xây dựng chủ nghĩa xã hội ở nước ta”[15]


DANH MỤC THAM KHẢO

 

  1. Đăng Trường, Lễ tết thường niên của người Việt, NXB Văn hóa thông tin, 2007
  2. Hoàng Tâm Xuyên, Mười Tôn Giáo lớn trên thế giới, NXB Chính Trị Quốc Gia, 2011
  3. Phan Kế Bính, Việt Nam phong tục, NXB Văn học, 2008
  4. Trương Chí Cương, Tôn Giáo Học là gì, NXB Tổng Hợp TpHCM, 2007
  5. Tập thể tác giả: PGS. TS. Nguyễn Quang Điển, TS. Huỳnh Bá Lân, TS. Phạm Đình Nghiệm, C. Mác, Ph. Ăng-ghen, V.I. Lê-nin về những vấn đề triết học, NXB ĐHQGTPHCM, 2003
  6. Hội khoa học lịch sử Việt Nam, Những vấn đề nhân học Tôn Giáo, NXB Đà Nẵng, 2006
  7. Viện Nghiên Cứu Tôn Giáo, Tài liệu tham khảo lớp bồi dưỡng ngắn hạn về khoa học Tôn Giáo, Hà Nội, 2001

 


[1] Nguyễn Ngọc Long, Nguyễn Hữu Vui, Giáo trình triết học Mác Lênin, NXB. Chính trị quôc gia, 2002, tr. 156.

[2] V.I.Lê-nin, Đại hội X Đảng cộng sản (b) Nga, ngày 8-16 tháng Ba 1921, V.I. Lê-nin toàn tập, T.43, tr. 87-88

[3] Luật pháp ở Iran ngoài phù hợp với hiến pháp còn phải phù hợp với Luật Sharia ( Luật Islam)

[4] CSHT dùng trong văn cảnh này chỉ mang nghĩa là cơ sở để kiến trúc thượng tầng đặt lên, từ nó mà chịu sự ảnh hưởng

[5] C. Mác, Góp phần phê phán kinh tế chính trị, C. Mác và Ăng-ghen toàn tập, T.13, tr 14-16

[6] Đặng Nghiêm Vạn, Nguồn gốc và tương lai đạo thờ tổ tiên. Báo cáo tại Hội Thảo Khoa  học Huế xung quanh vấn đề thờ cúng tô tiển. 9-1999. Chưa in.

[7] Ý diễn đại trong đoạn này tập trung về tính tự do trong Tôn Giáo phương Tây, tức là thay vì như Tôn Giáo phương Đông, mọi hành vi chuẩn mực tập trung ở phạm trù “phải làm” thì phương Tây, hành vi được qui định rộng hơn, ở phạm trù “ không được làm”.

[8] Trương Chí Cương, Tôn Giáo Học là gì, NXB Tổng hợp TpHCM, năm 2007, tr.184

[9] Christopher Dawson, Religion and the Rise of Western Culture, Image Books, 1958, tr.12

[10] Xem thêm mục Văn hóa học Tôn Giáo trong Tôn Giáo Học là gì của Trương Chí Cương, Sđd

[11] Số liệu lấy từ Encyclopædia Britannica thống kê vào 2005. Nguồn: http://www.religionfacts.com/religion_statistics/religion_statistics_by_growth_rate.htm

[12] http://www.marxists.org/archive/marx/works/1882/05/bauer.htm

[13] Religions are founded by people who feel a need for religion themselves and have a feeling for the religious needs of the masses.

 

[14] Xem thêm mục Tâm lí học Tôn Giáo, Tôn Giáo và tình cảm, Tôn Giáo và ý chí, trong Tôn Giáo Học là gì của Trương Chí Cương, Sđd

[15] Mục 1, chỉ thị số 1940/CT-TTg của Thủ tướng chính phủ về nhà đất liên quan đến Tôn Giáo, ngày 31 tháng 12 năm 2008.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Hotline

Zalo

Đăng ký