1. Khái niệm cơ bản:
1.1 Phép biện chứng:[1]
Biện chứng (hay phương pháp biện chứng) là một phương pháp luận, đây là phương pháp chủ yếu của cả nền triết học phương Đông và phương Tây trong thời cổ đại. Từ biện chứng(“dialectic”) có nguồn gốc từ tiếng Hy Lạp cổ. Phương pháp biện chứng có nền tảng từ những cuộc đối thoại giữa hai hay nhiều người với những ý kiến, tư tưởng khác nhau và cùng mong muốn thuyết phục người khác.
Phương pháp biện chứng phản ánh “biện chứng khách quan” trong sự vận động, phát triển của thế giới. Lý luận triết học của phương pháp đó được gọi là “phép biện chứng”.
Phép biện chứng là một khoa học triết học, vì vậy nó cũng phát triển từ thấp tới cao. Biện chứng là một lý thuyết cho rằng một cái gì đó – cụ thể hơn, tư duy con người – phát triển theo một cách thức được đặc trưng bởi cái gọi là ba đoạn biện chứng:
- Chính đề: đầu tiên có một ý tưởng, hoặc một lý thuyết, hoặc một xu hướng vận động nào đó được gọi là một “chính đề”; một chính đề như thế thường sẽ tạo ra cái đối lập, do là, giống như hầu hết các sự vật tồn tại trên trời đất, có lẽ nó sẽ có giá trị hạn chế và sẽ có các điểm yếu;
- Phản đề: ý tưởng hoặc xu hướng vận động đối lập được gọi là “phản đề”, bởi vì nó nhằm phản lại cái trước tiên, tức chính đề. Cuộc tranh đấu giữa chính đề và phản đề diễn ra cho tới khi đạt được một giải pháp nào đó mà, theo một nghĩa nhất định, vượt lên trên cả chính đề và phản đề do nó phát hiện ra được các giá trị riêng của chúng và do nó cố gằng bảo tồn các tinh hoa và tránh các hạn chế của cả hai;
- Hợp đề: giải pháp đạt được ở bước thứ ba này được gọi là “hợp đề”. Đến khi đạt được, hợp đề đến lượt nó có thể lại trở thành bước thứ nhất trong một của ba đoạn biện chứng mới khác, và quá trình sẽ lại tiếp diễn như thế nếu hợp đề cụ thể vừa đạt được lại trở nên thiếu thuyết phục, hoặc trở nên không thỏa mãn. Trong trường hợp này, mặt đối lập sẽ lại nổi lên, và điều này có nghĩa là cái hợp đề vừa đạt được có thể được mô tả như là một chính đề mới, cái chính đề tạo ra được một phản đề mới. Do đó, ba đoạn biện chứng sẽ lại diễn ra ở một trình độ cao hơn, và nó có thể đạt tới cấp độ thứ ba khi một hợp đề thứ hai đạt được.
1.2. Logic học:[2]
Logic học là khoa học xuất hiện rất sớm trong lịch sử. Nó xuất hiện vào thế kỷ thứ IV trước công nguyên, khi sự phát triển của khoa học nói riêng và tư duy nói chung đã đòi hỏi phải trả lời câu hỏi: Làm thế nào để đảm bảo suy ra được kết luận đúng đắn, chân thực từ các tiền đề chân thực.
Logic có nguồn gốc từ Hy Lạp “Logos”, có rất nhiều nghĩa, trong đó hai nghĩa ngày nay được dùng nhiều nhất như sau. Thứ nhất, nó được dùng để chỉ tính quy luật của sự tồn tại và phát triển của thế giới khách quan. Thứ hai, từ logic dùng để chủ quy luật đặc thù của tư duy. Khi ta nói: “ Logic của sự vật là như vậy”, ta đã sử dụng nghĩa thứ nhất, còn khi nói: “ Anh ấy suy luận hợp logic lắm”, ta dùng nghĩa thứ hai.
Theo quan điểm phổ biến nhất hiện nay thì logic học là khoa học về các hình thức, các quy luật của tư duy. Nhưng khác với các khoa học khác cũng nghiên cứu về tư duy như tâm lý học, sinh lý học thần kinh,…, logic học nghiên cứu các hình thức và quy luật của tư duy để đảm bảo suy ra các kết luận chân thực từ các tiền đề, kiến thức đã có và đưa ra các phương pháp để có được các suy luận đúng đắn.
1.3. Lý luận nhận thức:
Lý luận nhận thức (LLNT) là bộ phận của triết học nghiên cứu bản tính và khả năng của nhận thức, mối quan hệ của tri thức với thực tại khách quan, nghiên cứu các mức độ và hình thức của quá trình nhận thức, các điều kiện và tiêu chuẩn đúng đắn của nó. Lịch sử của LLNT, về thực chất, bắt đầu từ chỗ nêu lên trong triết học vấn đề tri thức là gì [Platon] mặc dù bản thân thuật ngữ “lí luận nhận thức” xuất hiện muộn hơn rất nhiều. Trong lịch sử triết học, LLNT luôn luôn đóng vai trò chủ yếu và đôi khi thậm chí còn chiếm vị trí trung tâm.[3] LLNT có thể gọi với tên khác là nhận thức luận.
2. Mối quan hệ giữa phép biện chứng, logic học và lý luận nhận thức trong lịch sử triết học:
2.1. Triết học cổ đại:
2.1.1. Héraclite (520-460 tr.CN)
Héraclite sinh ra ở thành phố Éphèse thuộc Ionia, một trong những trung tâm kinh tế văn hóa nổi tiếng của Hy Lạp cổ đại. Héraclite là nhà triết học duy vật và là một trong những người sáng lập ra phép biện chứng trên lập trường duy vật.
Theo đánh giá của Lénin, “Héraclite là người sáng lập ra phép biện chứng”. Song phép biện chứng của ông chưa được trình bày dưới dạng một hệ thống các luận điểm mà được trình bày dưới dạng các câu danh ngôn với nhiều ẩn dụ.[4]
Về lý luận nhận thức:
Héraclite cho rằng nhận thức phải phát triển tính liên tục của nó. Ông nói phải lắng nghe tiếng nói ( Logos) của tự nhiên, hành động hợp tự nhiên.
Như vậy với Héraclite, mục đích của nhận thức là nhận thức tính tất yếu, tính qui luật của thế giới và bản chất của tính tất yếu, tính qui luật này là biện chứng, phát triển, thống nhất.
Về phép biện chứng và logic học:
Héraclite cho rằng thế giới luôn trải qua quá trình sinh ra và tiêu diệt đi vĩnh viễn. Bởi vì tất cả đều biến đổi từ ngọn lửa thế giới. Nguyên nhân của sự biến đổi đó là do thế giới vạn vật đều bao hàm trong đó những mặt đối lập tồn tại trong một thể thống nhất, liên hệ, tác động và chuyển hóa lẫn nhau. Vì vậy sự xuất hiện mặt đối lập này qui định sự xuất hiện của mặt đối lập kia: “ bệnh tật làm cho sức khỏe quí hơn, cái ác làm cái thiện cao cả hơn, cái đói làm cho cái no dễ chịu hơn, mệt mỏi làm cho nghỉ ngơi thú vị hơn”
Héraclite cho rằng các mặt đối lập liên hệ, quy định và xung đột nhau. Sự xung đột giữa các mặt và nguồn gốc của sự phát triển không phụ thuộc vào thần thánh. “ Tất cả đều sinh ra trong đấu tranh và tất yếu phải sinh ra”. Tính tất yếu cố hữu của bản thân thế giới, ông gọi là Logos.
2.1.2. Platon (427-347 tr.CN)
Platon là nhà triết học duy tâm cổ Hy Lạp, được xem là người mở đầu siêu hình học phương Tây, là một trong những nhà triết học, nhà tư tưởng kiệt xuất. Tên thật của Platon là Asistóclès. Ông có vóc người vạm vỡ to lớn nên được gọi là Platon ( Tiếng Hy Lạp Platon nghĩa là to lớn)
Về lý luận nhận thức:
Platon phản đối các quan điểm cho rằng cảm giác là nguồn gốc của tri thức chân thật. Với ông, nguồn gốc của tri thức chân thật là hồi tưởng của linh hồn về thế giới ý niệm trước khi đến trú ngụ ở thể xác con người. Như vậy, với Platon, mục đích, đối tượng của nhận thức là thế giới ý niệm tồn tại khách quan với ý thức con người, các sự vật và hiện tượng của thế giới mà ta thấy chỉ là cái bóng của ý niệm.
Về phép biện chứng và logic học:
Theo Platon, phép biện chứng đó là thuật logic đàm thoại, là nghệ thuật so sánh và phân tích những khái niệm trong khi tranh luận, và những ý kiến xác thực được khơi dậy nhờ các câu hỏi-trả lời sẽ thành tri thức, và hậu cùng tri thức này là thế giới ý niệm.
Như vậy với Platon, phép biện chứng là phương pháp kích thích sự hồi tưởng lại thế giới ý niệm thông qua đàm thoại logic.
2.1.3. Aristotle (384-322 tr.CN)
Aristotle sinh tại tiểu vương quốc Macédoine cách Aten 200 dặm, say mê nghiên cứu khoa học và tham gia Viện hàn lâm của Platon năm 17 tuổi và ở đấy 20 năm đến khi Plato qua đời.
Về lý luận nhận thức:
Ông thừa nhận thế giới khách quan là đối tượng của nhận thức. Theo ông giới tự nhiên vừa là vật chất đầu tiên, là cơ sở mọi sinh tồn vừa là hình dạng. Nhận thức của con người là nhận thức hình dạng chứ không phải nhận thức sự vật.
Về phép biện chứng và logic học:
Aristotle có những nghiên cứu sâu sắc về logic học và phép biện chứng cùng hai loại phán đoán là qui nạp và diễn dịch. Ông cũng là người đầu tiên trình bày một số qui luật logic học hình thức, phép biện chứng về cái riêng cái chung.
Như vậy với Aristotle, ông xem mục đích và đối tượng của nhận thức là thế giới vật chất khách quan, còn phép biện chứng là phương tiện dùng để nhận thức thế giới ấy. Ta có thể thấy, Aristotle và Platon có chung cách sử dụng phép biện chứng giống nhau, tức là trong mối quan hệ giữa phép biện chứng, logic học và lý luận nhận thức, cả 2 ông để dùng phép biện chứng là công cụ để nhận thức thế giới; hai ông chỉ khác nhau 1 điểm, Platon thì nhận thức thế giới ý niệm, còn Aristotle là nhận thức thế giới vật chất khách quan.
2.2. Triết học Tây Âu thế kỷ XV-XVIII:
2.2.1. Francis Bacon ( 1561-1626)
Bacon là nhà triết học thời cận đại, là ông tổ của chủ nghĩa duy vật Anh và khoa học thực nghiệm. Bắt đầu từ Bacon, lịch sử triết học Tây Âu rũ bỏ nền triết học kinh viện, nền thần học để bước sang giai đoạn mới, giai đoạn “ đại phục hồi các khoa học”.
Về lý luận nhận thức:
Bacon thừa nhận sự tồn tại khách quan của thế giới vật chất, vật chất tồn tại vô hạn trong tính đa dạng của nó. Bacon cho rằng mục đích và đối tượng nhận thức là thế giới tự nhiên, nhiệm vụ triết học, nhiệm vụ nhận thức của con người là nắm được sâu sắc các mối liên hệ phức tạp và các lực lượng của tự nhiên. Theo Bacon, phương pháp nhận thức tốt nhất là phương pháp qui nạp tức là nhận thức đi từ khái quát đến khái niệm. Điểm xuất phát của nhận thức, theo ông là kinh nghiệm, từ kinh nghiệm mà khái quát thành tư tưởng, lý luận.
Về phép biện chứng và logic học:
Theo Bacon, thực nghiệm, quan sát, phân tích và quy nạp là phương pháp của nhận thức. Muốn như thế, phải so sánh đối chiếu các sự vật và các mặt của một sự vật để rút ra những nhận xét, những kết luận mang tính khái quát và chân thực.
Như thế, với Bacon, mục đích và đối tượng nhận thức của ông quan niệm là thế giới vật chất khách quan, phép biện chứng và logic là con đường đi đến sự nhận thức đúng đắn khách quan thế giới đấy.
2.2.2 René Descartes ( 1596 – 1650)
René Descartes là triết gia, nhà khoa học, nhà toán học người Pháp, được một số người xem là cha đẻ của triết học hiện đại. Ông sinh tại La Haye, Touraine (trước đây là một tỉnh, nay gọi là một vùng của Pháp, xuất thân từ một gia đình quý tộc nhỏ, có truyền thống khoa bảng.
Về lý luận nhận thức:
Toàn bộ nền nhận thức luận của Descartes được xây dựng trên nền chủ nghĩa duy lý. Với ông, lý trí giữ vai trò hàng đầu so với niềm tin tôn giáo trong quá trình nhận thức. Mọi nhận thức, với ông đều phải xuất phát từ sự hoài nghi.
Về phép biện chứng và logic học:
Thật khó kết luận rõ ràng rằng trong lí thuyết của ông có tồn tại sự biện chứng hay không, nhưng chắc chắn Descartes đã nhấn mạnh phương pháp diễn dịch hơn phương pháp qui nạp trong quan điểm của mình. Ông xem tiêu chuẩn chân lý là sự mạch lạc rõ ràng trong tư duy, lý luận. Để đạt đến chân lý, theo ông phải tuân thủ 4 nguyên tắc cơ bản:
- Chỉ thừa nhận chân lý những gì đã được cảm nhận rõ ràng và rành mạch, không gợn lên chút nghi ngờ, tránh hấp tấp, định kiến
- Chia mỗi sự vật nghiên cứu thành những phần nhỏ tùy sự cần thiết và khả năng có thể tiện lợi nhất trong việc nghiên cứu
- Trong quá trình nhận thức, cần bắt đầu từ những điều đơn giản nhất, dễ nhận thức nhất, dần dần đi đến nhận thức những điều phức tạp hơn
- Phải liệt kê, xem xét đầy đủ mọi dữ kiện, không bỏ sót một dữ kiện nào trong quá trình nhận thức.
Như vậy, với Descartes ông xem phép biện chứng và logic học là công cụ của nhận thức nhưng khác với Bacon, ông xem trọng phép diễn dịch hơn qui nạp, xuất phát từ việc ông đề cao sự diễn suy của lí trí hơn việc duy nghiệm các hiện tượng khách quan.
2.2.3. Gottfried Wilhelm Leibniz (1646 – 1716)
Leibniz là nhà triết học, toán học, vật lý học người Đức. Ông là một trong những người mở đầu những quan điểm biện chứng duy tâm trong triết học Đức.
Về lý luận nhận thức:
Lý luận nhận thức của Leibniz là chủ nghĩa duy lý duy tâm nhằm chống lại chủ nghĩa cảm giác và chủ nghĩa kinh nghiệm của Locke. Về thực chất, Leibniz theo quan điểm của Descartes. Ông cho rằng tiêu chuẩn của chân lý là tính rõ ràng, rành mạch và không mâu thuẫn của tri thức. Do đó kiểm tra tính chân lý của lý tính chỉ cần các quy luật logic học của Aristotle là đủ.
Về phép biện chứng và logic học:
Phép biện chứng của Leibniz được ông xem là những nguyên lý có thể sử dụng để nhận thức được chân lý. Ông nêu ra 11 nguyên lý sau:
- Nguyên lý về sự khác nhau của sự vật: Trong thực tế không thể có hai sự vật hoàn toàn giống nhau. Nguyên lý này nói lên tính đa dạng của thế giới. Phải dự trên nguyên lý này mới nhận thức được bản chất của sự vật.
- Nguyên lý về sự đồng nhất: Hai vật có mọi tính chất giống nhau thì chúng đồng nhất với nhau.
- Nguyên lý về sự liên tục trong quá trình phát triển: Trong quá trình phát triển luôn luôn có sự kế thừa. Cái hiện tại là kết quả của quá khứ và là mầm mống của tương lai.
- Nguyên lý về sự gián đoạn: Có sự đứt đoạn trong quá trình phát triển của mọi vật. Nguyên lý này là điều kiện để phân biệt sự vật này với sự vật khác.
- Nguyên lý về sự đầy đủ: Khẳng định thế giới bao gồm đầy đủ những sự vật được xem là cần thiết với toàn bộ tính chất của chúng. Nó nói lên tính tất yếu đối với sự vật.
- Nguyên lý về sự hoàn thiện: Xu hướng của các sự vật, của toàn bộ giới tự nhiên không ngừng vươn tới sự hoàn thiện.
- Nguyên lý về mối liên hệ của thế giới khả năng – thế giới tinh thần với thế giới hiện thực – thế giới của các vật thể: Khả năng là nguyên tắc và bản chất của hiện thực; hiện thức là sự thể hiện một trong nhiều phương án của khả năng. Khả năng phong phú hơn hiện thực, tinh thần phong phú và cao hơn vật chất.
- Nguyên lý về logic hình thức: Sự cần thiết phải tuân theo các quy tắc của tam đoạn luận trong quá trình tư duy
- Nguyên lý về luật cơ sở đầy đủ: Mọi tư tưởng đều phải được luận giải, chúng minh trên một cơ sở đầy đủ
- Nguyên lý về mối liên hệ phổ biến giữa các sự vật hiện tượng: Các sự vật, hiện tượng liên hệ với nhau, các khoa học liên hệ với nhau để nhận thức chân lý.
- Nguyên lý về sự cực đại và cực tiểu: Cực tiểu của bản chất sinh ra từ cực đại của tồn tại.
Nhìn chung, Leibniz đề cao trí tuệ con người, đặc biệt đề cao tư duy logic, tức là, ông sử dụng phép biện chứng và tư duy logic là công cụ của nhận thức.
2.3. Triết học cổ điển Đức:
2.3.1. Immanuel Kant (1724-1804)
Immanuel Kant sinh tại Königsberg, được xem là triết gia quan trọng nhất của nước Đức, hơn nữa là triết gia lớn nhất của thời kỳ cận đại, của nền văn hóa tân tiến và của nhiều lĩnh vực khoa học nhân văn khác. Sự nghiệp triết học của ông được biết đến qua hai giai đoạn: “tiền phê phán” và sau năm 1770 là “phê phán”.
Về lý luận nhận thức:
Để nhận thức trước hết con người cần phải có sẵn một công cụ nhận thức, đó là phạm trù “tiên nghiệm” có trước kinh nghiệm, và nghiên cứu nhận thức, trước hết phải nghiên cứu công cụ này.
Tồn tại một “ vật tự nó” là bản chất của sự vật, nhờ nó mà sự vật tự thân tồn tại và người ta không nhận thức được vật tự thể (Ding an sich), mà chỉ nhận thức được sự trình hiện (Erscheinung) của nó. Sự trình hiện này được nắn thành bởi con người trong vai một chủ thể, bởi giác tính. Theo ý tưởng thông thường về thế giới bên ngoài thì có những làn sóng ánh sáng, được tiếp nhận bằng cặp mắt – cặp mắt bị kích thích. Trong bộ não, trực quan cảm năng này được biến thành cái trình hiện cho người ta thấy. Thế giới bên ngoài như vậy đã là một ý tưởng chủ quan (subjektive Vorstellung). Kant gọi những trực quan kinh nghiệm này – được phối hợp từ những thành tố đơn chiếc và được chuyển biến trong não bộ – là sự cảm nhận (Empfindung). Không gian và thời gian, trong vai trò hình thái thuần tuý của trực quan cảm năng, được bổ sung vào các cảm nhận. Chúng là những hình thái thuần tuý của trực quan con người, không có giá trị cho những đối tượng tự thể (Gegenstände an sich). Như vậy có nghĩa là, tri thức luôn luôn tuỳ thuộc vào chủ thể. Hiện thực của con người là những trình hiện, tức là tất cả những gì có trong không gian và thời gian đối với con người. Trường hợp con người không tưởng tượng được những đối tượng không có không gian và thời gian được Kant giải thích là nằm ở sự hạn chế của con người, không nằm ở các đối tượng tự chúng nó. Không gian và thời gian có trong những vật tự thể hay không là một điều con người không thể biết được.
Có hai loại kiến thức: “ Kiến thức khoa học” và “ kiến thức thông thường”. Loại thứ nhất là những tiên nghiệm, tồn tại khách quan và có sẵn trong ý thức để nhận thức những sự vật hiện tượng. Loại thứ hai là kiến thức dựa trên kinh nghiệm cá nhân, gọi là hậu nghiệm.
Nhận thức con người phải trải qua ba giai đoạn: trực quan cảm tính, giác tính phân tích và lý tính.
Như vậy, đối tượng và mục đích nhận thức của Kant là sự vật hiện tượng nói chung, tuy nhiên, sự nhận thức này không thể đạt đến bản chất sự vật – tức vật tự thân – mà chỉ dừng lại ở các hiện tượng bên ngoài sự vật đó.
Về phép biện chứng và logic học:
Tìm hiểu 11 nguyên lý của phương pháp luận Leibniz, năm 1755 Kant viết tác phẩm “Lý giải mới những nguyên lý đầu tiên của nhận thức siêu hình”, trong đó bắt đầu định hình phương pháp nghiên cứu riêng của mình – phương pháp biện chứng dựa trên nguyên lý tuần tự, nguyên lý về nguồn gốc chung của các hiện tượng trong thế giới (tiền thân của nguyên lý phát triển), nguyên lý về mối liên hệ và tác động lẫn nhau giữa các hiện tượng (tiền thân của nguyên lý về mối liên hệ phổ biến).
Như vậy, Kant thừa nhận biện chứng khách quan của sự vật. Các sự vật, hiện tượng đều tồn tại trong mối liên hệ phổ biến trong sự tác động qua lại và chuyển hóa lẫn nhau. Tuy nhiên, sự biện chứng này không tồn tại ở vật tự nó. Vật tự nó là một trạng thái bất biến của sự vật, một trạng thái cô lập tuyệt đối của sự vật – kể cả mối quan hệ với hiện tượng cũng là vô nghĩa.
Có thể thấy rằng, ở Kant phép biện chứng và logic học không chỉ còn đóng vai trò là công cụ của nhận thức, mà tính biện chứng và logic là tính khách quan của sự vật và để nhận thức chính xác, thì phép biện chứng phải là công cụ nhận thức chủ quan của con người
2.3.2. Georg Wilhelm Friedrich Hegel ( 1770 – 1831)
Hegel là nhà triết học biện chứng, lỗi lạc trong dòng triết học cổ điển Đức. Ông xuất thân từ một gia đình quan chức tại Stuttgart sau đó học triết học và thần học ở đại học tổng hợp Tübingen. Các tác phẩm chính của ông là: “ Hiện tượng học tinh thần” ( 1807), “ Khoa học logic” ( 1812 – 1814)
Về lý luận nhận thức:
Hegel xem tư duy khái niệm, nhận thức khái niệm là dạng nhận thức cao nhất của con người. Theo ông, khái niệm là bản chất cao nhất đích thực của sự vật, là linh hồn của nó. Hegel đặc biệt đề cao vai trò của tư duy logic khái niệm.
Tuy nhiên khái niệm của sự vật cũng như giới tự nhiên hay con người tức là mọi sự vật đều là sự tha hóa của ý niệm tuyệt đối có trước tất thảy mọi vật.
Như vậy với Hegel nghiên cứu về nhận thức của con người với tư cách là “ý niệm tuyệt đối”. Ông gọi triết học của mình là sự phát triển cao độ của “ý niệm tuyệt đối”
Về phép biện chứng và logic học:
Với Hegel, phép biện chứng là một quá trình vận động phát triển liên tục theo qui luật phủ định của phủ định. Quá trình này được hình thức hóa bằng tam đoạn luận biện chứng: Chính đề – Phản đề – Hợp đề, trong đó các yếu tố đều có mối liên hệ hữu cơ, chuyển hóa lẫn nhau.
Sự phát triển của phép biện chứng không phải là sự tăng giảm đơn thuần về số lượng hay sự dịch chuyển của vị trí trong không gian mà là sự tiếp diễn trong đó cái mới thay thế cái cũ, nhưng vẫn kế thừa những yếu tố của cái cũ mà vẫn có khả năng thúc đẩy sự phát triển.
Logic học của Hegel nghiên cứu về ý niệm tuyệt đối có trước thế giới, hoạt động trong “nguyên chất của tư duy thuần túy”, biểu hiện như một hệ thống khái niệm, phạm trù Logic, bao hàm những mâu thuẫn nội tại, vận động và biến đổi, chuyển hóa thành cái đối lập của mình – giới tự nhiên.
Trong “ Khoa học Logic”, Hegel đã đề cập đến những vấn đề cơ bản của phép biện chứng với tính cách là một khoa học và đã lý giải nội dung của nó trên lập trường duy tâm khách quan. Tư tưởng biện chứng của Hegel trong “ Khoa học Logic” bao gồm những điều cơ bản sau:
· Mỗi khái niệm đều nằm trong mối liên hệ với các khái niệm khác, mỗi khái niệm đều làm trung giới cho nhau.
· Mỗi khái niệm đều có mối liên hệ nội tại, đều chứa đựng mâu thuẫn nội tại và bao gồm khả năng thâm nhập, chuyển hóa lẫn nhau.
· Mỗi khái niệm đều trải qua một quá trình phát triển được thực hiện trên cơ sở 3 nguyên tắc:
Ø Chất và lượng qui định lẫn nhau, những chuyển hóa về lượng sẽ dẫn đến những biến đổi về chất và ngược lại,
Ø Sự thống nhất và đấu tranh của các mặt đối lập với tư cách là nguồn gốc và động lực của sự phát triển
Ø Phủ định của phủ định với tính cách là sự phát triển diễn ra theo vòng tròn xoắn trôn ốc – con đường phát triển của khái niệm.
Trong khi lý giải các nguyên tắc này ông đã giải quyết một cách biện chứng mối quan hệ giữa các cặp phạm trù: chung-riêng, tất nhiên-ngẫu nhiên, logic-lịch sử.
Như vậy với Hegel, phép biện chứng và logic là một và tính tất yếu phải có trong quá trình nhận thức. Và sản phẩm sau khi con người nhận thức được bằng tư duy biện chứng là “ ý niệm tuyệt đối”
2.4. Triết học Marxist:
Triết học Marxist là sự kế thừa những thành tựu vĩ đại của tư tưởng triết học từ thời cổ đại cho đến cuối thế kỷ XVIII – đầu thế kỷ XIX. Sự sáng tạo ra chủ nghĩa duy vật biện chứng và chủ nghĩa duy vật lịch sử là một cuộc cách mạng thực sự trong triết học. Trong triết học Marxist, việc nghiên cứu triết học không phải là mục đích tự thân mà nhằm giải quyết những nhiệm vụ thực tiễn của của nhân loại đặt ra.
Ba vĩ nhân thiết lập nên nền triết học Marxist bao gồm: Karl Marx (1818 – 1883), Friedrich Engels (1820 – 1895), Vladimir Ilich Ulyanov Lénine (1870 – 1924).
Về lý luận nhận thức:
Bằng sự kế thừa những yếu tố hợp lý của các học thuyết đã có, khái quát các thành tựu khoa học, Marx và Engels đã xây dựng nên học thuyết biện chứng duy vật về nhận thức. Học thuyết này ra đời đã tạo ra một cuộc cách mạng trong lý luận nhận thức vì đã xây dựng được những quan điểm khoa học đúng đắn về bản chất của nhận thức. Học thuyết này ra đời dựa trên các nguyên tắc cơ bản sau:
- Thừa nhận thế giới vật chất tồn tại khách quan độc lập đối với ý thức của con người.
- Thừa nhận khả năng nhận thức được thế giới của con người, coi nhận thức là sự phản ánh hiện thực khách quan vào trong bộ óc con người, là hoạt động tìm hiểu khách thể của chủ thể. Không có cái gì là không thể nhận thức được mà chỉ có cái con người chưa nhận thức được mà thôi.
- Khẳng định sự phản ánh đó là một quá trình biện chứng, tích cực, tự giác và sáng tạo. Quá trình phản ánh ấy diễn ra theo trình tự từ chưa biết đến biết, từ biết ít đến biết nhiều, từ hiện tượng đến bản chất.
- Coi thực tiễn là cơ sở chủ yếu và trực tiếp nhất của nhận thức, là động lực, mục đích của nhận thức và là tiêu chuẩn để kiểm tra chân lý.
Dựa trên nguyên tắc đó, chủ nghĩa duy vật biện chứng khẳng định: nhận thức là quá trình phản ánh biện chứng, tích cực, tự giác và sáng tạo thế giới khách quan vào trong đầu óc con người trên cơ sở thực tiễn.
Về phép biện chứng:
Phép biện chứng duy vật do Marx và Engels xây dựng trên cơ sở kế thừa có phê phán hạt nhân hợp lý trong phép biện chứng của G.W.Ph.Hegel, là phép biện chứng dựa trên nền tảng của chủ nghĩa duy vật, xuất phát từ biện chứng khách quan của tự nhiên và xã hội. Theo Engels: “Phép biện chứng chẳng qua chỉ là môn khoa học về những quy luật phổ biến của sự vận động và sự phát triển của tự nhiên, của xã hội loài người và của tư duy”(C.Mác và Ph.Ăngghen: Toàn tập, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2002, t.20, tr.20).
Khi nhấn mạnh vai trò của nguyên lý về mối liên hệ phổ biến, Engels còn đưa ra một định nghĩa khác về phép biện chứng duy vật: “phép biện chứng là khoa học về sự liên hệ phổ biến”. Khi nhấn mạnh vai trò của nguyên lý về sự phát triển trong phép biện chứng mà Marx đã kế thừa từ triết học của Hegel, V.I.Lênin cho rằng, trong số những thành quả đó thì thành quả chủ yếu là phép biện chứng, tức là học thuyết về sự phát triển, dưới hình thức hoàn bị nhất, sâu sắc nhất và không phiến diện, học thuyết về tính tương đối của nhận thức của con người, nhận thức này phản ánh vật chất luôn luôn phát triển không ngừng.
Trên cơ sở giải quyết vấn đề cơ bản của triết học, phép biện chứng duy vật với tính cách là một hệ thống khoa học khám phá ra các quy luật chung nhất của sự vận động, phát triển của tự nhiên, xã hội và tư duy, cũng như vạch ra những con đường nhận thức và cải tạo nó. Các nguyên lý, quy luật và phạm trù của phép biện chứng duy vật mang tính chất chung nhất, tổng hợp nhất cả về mặt bản thể luận và mặt nhận thức luận. Điều đó làm cho phép biện chứng duy vật mang một ý nghĩa phương pháp luận phổ biến và là một trong những đặc trưng để phân biệt với các hệ thống khoa học khác.
Về logic học biện chứng:
Logic học biện chứng ngược lại của logic học cũ, không bằng lòng với việc chỉ nêu ra những hình thức vận động của tư duy, tức là những hình thức khác nhau của phán đoán và suy lý, và với việc xếp những hình thức ấy cái nọ bên cạnh cái kia không có sự liên hệ nào. Logic học biện chứng suy từ hình thức này ra hình thức khác, xác định mối liên hệ phụ thuộc lẫn nhau giữa chúng, chứ không phối hợp chúng với nhau, nó phát triển những hình thức cao từ những hình thức thấp.[5]
Các nguyên lý của logic biện chứng:
- Định nghĩa của khái niệm từ bản thân khái niệm, bản thân sự vật phải được xem xét trong những quan hệ của nó và trong sự phát triển của nó.
- Tính mâu thuẫn trong bản thân sự vật, những lực lượng và những khuynh hướng mâu thuẫn trong mọi hiện tượng.
- Sự kết hợp phân tích và tổng hợp.
Như vậy, theo quan niệm của Marx, cũng như của Hegel thì phép biện chứng bao gồm cái mà ngày nay người ta gọi là lý luận nhận thức hay nhận thức luận. Lý luận này phải xem xét đối tượng của nó theo quan điểm lịch sử, bằng cách nghiên cứu và khái quát nguồn gốc và sự phát triển của nhận thức, bước chuyển từ không biết đến biết[6]. Logic không phải là học thuyết về những hình thức bên ngoài của tư duy mà là học thuyết về những quy luật phát triển của tất thảy mọi sự vật vật chất, tự nhiên và tinh thần, tức là học thuyết về những quy luật phát triển của toàn bộ nội dung cụ thể của thế giới và nhận thức thế giới, tức là sự tổng kết, kết luận của lịch sử nhận thức thế giới.[7]
Tóm lại, với triết học Marxist, phép biện chứng, logic học và lý luận nhận thức là đồng nhất, hay nói cách khác phép biện chứng chính là lý luận nhận thức và logic học.[8]
3. Ý nghĩa mối quan hệ giữa phép biện chứng, logic học và lý luận nhận thức:
Qua sự trình bày vừa trên, chúng ta có thể thấy được mạch phát triển của quan điểm của các triết gia về mối quan hệ giữa phép biện chứng, logic học, và lý luận nhận thức.
Với Hécralite là sự thừa nhận tính biện chứng của thế giới tự nhiên và cũng là đối tượng – mục đích của nhận thức.
Từ Platon cho đến Leibniz phép biện chứng và logic được xem là công cụ để con người nhận thức thế giới, và thế giới là mục đích – đối tượng của nhận thức.
Chuyển Kant và Hegel, ta có thể thấy manh nha trong tư tưởng hai ông về sự đồng nhất giữa phép biện chứng, logic học và lý luận nhận thức. Tức là, bản thân thế giới, sự tồn tại của nó là một quá trình biện chứng cho nên muốn nhận thức nó, con người cần sử dụng phép biện chứng mới có thể gọi là nhận thức đúng đắn về sự vật. Tuy nhiên ở Kant, ông lại cô lập hóa sự vật thành một thứ bất biến khiến con người gần như tuyệt vọng và bất lực trong việc nhận thức thế giới, nhận thức sự vật. Trong khi Hegel làm ngược lại, bằng việc chứng minh sự vận động cả trong tư duy, và cả trong sự vật, Hegel đã thắp lại hy vọng nắm bắt được qui luật của tự nhiên và xã hội của con người. Tuy nhiên, ông lại khoác bên ngoài phép biện chứng tuyệt vời này một chiếc áo thần bí duy tâm để giải thích nguồn gốc và sự vận hành của phép biện chứng này.
Qua nền triết học Marxist, cả Marx, Engels và Lénine, đã cùng mang phép biện chứng, toàn bộ sự tiến bộ của phép biện chứng trở lại thế giới quan duy vật. Với Lénine, Engels hay Marx đều xem phép biện chứng, logic học, và lý luận nhận thức là một, chúng có sự đồng nhất.
Điều này cho phép con người mạnh dạn dùng tư duy và thực tiễn của mình để thay đổi thế giới, cũng tức là thay đổi tư duy của mình. Mục đích của nhận thức không còn chỉ là thế giới sự vật như trước, mà nó là thực tiễn, chính là cuộc sống hằng ngày của con người. Con người thay đổi thực tiễn, tức là bao gồm cả việc thay đổi chính bản thân mình.
Toàn bộ nền triết học Marxist, hay phép biện chứng Marxist là nền triết học của hành động chứ không phải nền triết học tư biện, truy tầm một chân lí cao xa có sẵn; mà trong hiện thực, tại thực tiễn, toàn bộ chân lý và sự nhận thức của con người mới được phán xét một cách đúng đắn nhất.
Sự tiến bộ và vĩ đại của nền triết học Marxist là ở đây.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
Hà Thiên Sơn, Lịch sử triết học, NXB Trẻ, 2001.
Karl Popper, Biện chứng là gì ( Đinh Tuấn Minh dịch), Trung tâm nghiên cứu kinh tế và chính sác h Đại học Kinh Tế Đại học Quốc Gia Hà Nội, 2011.
Nguyễn Quang Điển, Huỳnh Bá Lân, Phạm Đình Nghiệm, C.Mác, Ph. Ăng-ghen, V.I.Lê-nin về những vấn đề triết học, NXB Đại học Quốc Gia TpHCM, 2003.
Mục lục
1. Khái niệm cơ bản: 1
1.1 Phép biện chứng: 1
1.2. Logic học: 2
1.3. Lý luận nhận thức: 3
2. Mối quan hệ giữa phép biện chứng, logic học và lý luận nhận thức trong lịch sử triết học: 3
2.1. Triết học cổ đại: 3
2.1.1. Héraclite (520-460 tr.CN) 3
2.1.2. Platon (427-347 tr.CN) 4
2.1.3. Aristotle (384-322 tr.CN) 5
2.2. Triết học Tây Âu thế kỷ XV-XVIII: 6
2.2.1. Francis Bacon ( 1561-1626) 6
2.2.2 René Descartes ( 1596 – 1650) 6
2.2.3. Gottfried Wilhelm Leibniz (1646 – 1716) 7
2.3. Triết học cổ điển Đức: 9
2.3.1. Immanuel Kant (1724-1804) 9
2.3.2. Georg Wilhelm Friedrich Hegel ( 1770 – 1831) 11
2.4. Triết học Marxist: 13
3. Ý nghĩa mối quan hệ giữa phép biện chứng, logic học và lý luận nhận thức: 16
[1] Từ điển trực tuyến Wikipedia; Giáo trình triết học Mác-Lênin , 2004, Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia
[2] Phạm Đình Nghiệm, Nhập môn Logic học, NXB. ĐHQG TPHCM, 2007
[3] Từ điển bách khoa trực tuyến: Lý luận nhận thức.
[4] Hà Thiên Sơn, Lịch sử triết học, NXB. Trẻ, 2001, tr. 159
[5] Ph. Ăng-ghen, Biện chứng của tự nhiên, C.Mác và Ăng-ghen toàn tập, T.20, tr. 710.
[6] V.I. Lenin, Các Mác, V.I.Lenin toàn tập, T.26, tr. 65
[7] V.I.Lenin, Bút ký triết học, V.I.Lenin toàn tập, T. 29, tr. 101
[8] V.I.Lenin, Bút ký triết học, V.I.Lenin toàn tập, T. 29, tr. 380-382