Đề bài:

Phân tích luận điểm: “Chúng ta không những phải sẵn sàng kết nạp, mà còn cố gắng để thu hút vào trong Đảng dân chủ – xã hội tất cả những công nhân nào còn tin ở Thượng đế; chúng ta nhất định phản đối bất cứ một sự xúc phạm nhỏ nào đến những tín ngưỡng tôn giáo của họ”.

 

Luận điểm này có mâu thuẫn gì với luận điểm khác của Lénin: “Chúng ta phải đấu tranh chống tôn giáo. Đó là điều sơ đẳng của toàn bộ chủ nghĩa duy vật, và do đó, của chủ nghĩa Mác.”

 

 

Cuộc chiến giữa phi tôn giáo và tôn giáo đã xuất hiện từ khi loài người bắt đầu có lí trí. Những người phê bình tôn giáo đầu tiên đã là những nhà đấu tranh tôn giáo triệt để và gay gắt, và được biết đến với khái niệm là những nhà duy vật, như Xenophanes: “ Nếu ngựa có tay và biết vẽ ắt chúng sẽ vẽ các vị thần giống như Ngựa” hay Epicurus: “”Chúa muốn ngăn chặn cái ác nhưng không thể? Nếu thế thì ngài bất lực… Chúa vừa muốn ngăn chặn vừa có thể làm điều này? Vậy thì tại sao các ác vẫn tồn tại? ” Và kể từ đó, cuộc chiến giữa nhà duy vật và tôn giáo đã được kéo dài cho đến ngày nay dưới nhiều hình thức khác nhau, điển hình là cuộc chiến của những nhà vô thần và hữu thần, những nhà duy vật và duy tâm, những người cộng sản và những người tôn giáo – chính trị.

 

Do đó, cuộc chiến với tôn giáo là cuộc chiến sơ đẳng nhất của những người duy vật, của những người đấu tranh cho con người và vì con người. Tuy nhiên cần hiểu rằng, cuộc chiến này là cuộc chiến trên bình diện thế giới quan, bình diện phương pháp luận, bình diện nhận thức luận và bình diện phản tư – gọi là bình diện triết học; là cuộc chiến trên bình diện quan hệ xã hội, bình diện thiết chế xã hội và bình diện pháp quyền xã hội, – gọi chung là bình diện xã hội.

 

“ Chủ nghĩa Mác là chủ nghĩa duy vật. Chính vì vậy mà nó cũng đối địch với tôn giáo một cách quyết liệt chẳng khác gì chủ nghĩa duy vật của nhóm Bách khoa toàn thư thế kỷ XVIII, hay chủ nghĩa duy vật của Phơ-bách. Đó là điều không thể chối cãi được. Nhưng do vận dụng triết học duy vật vào lĩnh vực lịch sử, vào lĩnh vực các khoa học xã hội, nên chủ nghĩa duy vật biện chứng của Mác và Ăng-ghen đi xa hơn nhóm Bách khoa toàn thư và Phơ-bách. Chúng ta phải đấu tranh chống tôn giáo. Đó là điều sơ đẳng của toàn bộ chủ nghĩa duy vật, và do đó, của chủ nghĩa Mác.” – Lénin đã viết như thế trong tác phẩm “ Về thái độ của đảng công nhân đối với tôn giáo”

 

Thế nhưng, cũng trong tác phẩm này, Lénin lại viết “Chúng ta không những phải sẵn sàng kết nạp, mà còn cố gắng để thu hút vào trong Đảng dân chủ – xã hội tất cả những công nhân nào còn tin ở Thượng đế; chúng ta nhất định phản đối bất cứ một sự xúc phạm nhỏ nào đến những tín ngưỡng tôn giáo của họ”

 

Như thế, phải chẳng Lénin đã mâu thuẫn trong chính các luận điểm của mình trong vấn đề “ về thái độ của đảng công nhân và tôn giáo?”

 

Chúng ta đều thấy được rằng, tôn giáo nảy sinh do con người, cho con người, và vì con người. Nhờ vào tôn giáo, con người hình thành được chuẩn mực, đạo đức, lối sống. Nhờ vào tôn giáo, con người hình thành sợi dây liên kết tình cảm giữa người và người, giữa người và sự linh thiêng tối thượng – điều này làm đời sống con người có chỗ dựa về mặt tinh thần và định hướng cho hành động của mình. Nhờ vào tôn giáo, con người đã khắc phục được nỗi sợ hãi trước tự nhiên và xã hội – trước những thực thể và những sự vận động của 2 đối tượng này. Nhưng quan điểm phi tôn giáo – mà biểu hiện là chủ nghĩa vô thần – cũng được sinh do con người, cho con người và vì con người. Cũng là những chuẩn mực, đạo đức, lối sống; cũng là sợi dây liên kết tình cảm; cũng là khắc phục nỗi sợ hãi; nhưng những cứu cánh đấy được thực hiện bởi lòng tin vào chính con người, chính sự hằng hữu của con người, vào chính cái thực thể con người chứ không phải được thực hiện bởi lòng tin vào đức tin xa lạ, không phải bởi lòng tin vào cái “con người đã tha hóa”, hay bởi những cái trừu tượng không nắm bắt được, như thế, con người chẳng khác gì tạo ra “một xiềng xích, vòng gai đầy hoa hồng” trong khi hoàn toàn có thể hành động dựa trên chính sự tự nhận thức của bản thân về bản thân.

 

Mâu thuẫn giữa phi tôn giáo và tôn giáo không phải là sự mâu thuẫn về cứu cánh cuộc đời mà là mâu thuẫn về con đường đi đến cứu cánh đó. Do đó, giải quyết sự mâu thuẫn này không dẫn đến sự loại trừ lẫn nhau về mặt hình thức, tức là không triệt tiêu nhau về biểu hiện thực thể, mà phải là loại trừ lẫn nhau trong sự dung hợp về ý thức, tư tưởng.

Hiểu được vấn đề này, trở lại với luận điểm “Chúng ta không những phải sẵn sàng kết nạp, mà còn cố gắng để thu hút vào trong Đảng dân chủ – xã hội tất cả những công nhân nào còn tin ở Thượng đế; chúng ta nhất định phản đối bất cứ một sự xúc phạm nhỏ nào đến những tín ngưỡng tôn giáo của họ” của Lénin; chúng ta có thể tìm về toàn văn chứa luận điểm này của ông: “Chúng ta không những phải sẵn sàng kết nạp, mà còn cố gắng để thu hút vào trong Đảng dân chủ – xã hội tất cả những công nhân nào còn tin ở Thượng đế; chúng ta nhất định phản đối bất cứ một sự xúc phạm nhỏ nào đến những tín ngưỡng tôn giáo của họ, nhưng chúng ta thu hút họ để giáo dục họ theo tinh thần cương lĩnh của chúng ta, chứ không phải để họ tích cực chống lại cương lĩnh ấy. Chúng ta cho phép tự do phát biểu ý kiến trong nội bộ đảng, nhưng chỉ trong những giới hạn nào thôi, những giới hạn do cái quyền tự do lập nhóm quy định: chúng ta không bắt buộc cứ phải tay nắm tay cùng đi với những kẻ tuyên truyền tích cực cho những quan điểm mà đa số trong đảng đã bác bỏ.”; thì chúng ta hoàn toàn có thể dễ dàng tiếp nhận được tư tưởng này của Lénin.

 

Như vậy, với Lénin, hoàn toàn không có sự mâu thuẫn giữa các luận điểm của ông.

 

Như vậy, với Lénin, việc cố gắng thu hút vào Đảng những công nhân có tôn giáo không phải là việc loại bỏ tính Đảng của đảng công nhân chuyển sang tính tôn giáo mà dùng tính Đảng này giáo dục hóa, giác ngộ hóa những người có tôn giáo – mà theo Lénin còn trong vòng mê muội bởi những giáo lí.

 

Như vậy, với Lénin, không phải khắc hai chữ “ đảng viên” lên trán là trở thành đảng viên đảng công nhân; không phải được ghi tên trong danh sách và đóng đảng phí đầy đủ mà trở thành đội tiên phong cho giai cấp công nhân, không phải gắn lên ngực huy hiệu Đảng mà trở thành lực lượng giai cấp và tiến bộ trong xã hội mà phải là sự giác ngộ, chấp nhận rũ bỏ thế giới quan và phương pháp luận tôn giáo, bất lực để đến với thế giới quan và phương pháp luận chủ nghĩa Marx.

Như vậy, với Lénin, đây là một phương thức đấu tranh với tôn giáo, đây là một nước bài chính trị trong việc xóa bỏ tôn giáo trong công nhân nói riêng và nhân dân nói chung.

 

Lénin đã nhiều lần nhấn mạnh việc xóa bỏ tôn giáo, nhưng không phải thông qua con đường xóa bỏ bạo lực, xóa bỏ thực thể, mà là sự xóa bỏ trừu tượng, xóa bỏ về mặt ý thức, tư tưởng giác ngộ chủ nghĩa Marx.

 

Điều này nhắc lại cho chúng ta về một phương pháp cách mạng tiên tiến, tiến bộ và triệt để trong việc đấu tranh với tôn giáo, đấu tranh với những mặt trái mà tôn giáo đã bị sử dụng để tạo ra trong thời kì hiện nay. Thời kì hòa bình khoan dung đối thoại, thời kì mà mọi cuộc chiến nào về mặt hình thức đều là tội ác, thời kì mà chúng ta buộc phải tiếp nhận và loại trừ nhau trong sự dung hợp trừu tượng.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Hotline

Zalo

Đăng ký