Đó là năm 2000.

Nguyên quay điện thoại nhầm số. Mãi đến khi nghe tiếng reng đầu tiên, Nguyên mới nhận ra quay điện thoại nhầm số. Nó định gọi cho thằng Kiên – bạn thân của nó – nhưng lại nhầm mất số cuối. Ngay khi Nguyên vừa định nhấn tắt máy thì bên kia bắt máy. Một chất giọng đục ngầu nói ngay không cần nghe bên này cất lời: ” Nhầm số rồi”. Rồi cúp máy.

Mất đến 3 giây để Nguyên nhận ra điều gì đang xảy ra. Sự tò mò bắt đầu nổi lên trong nó. Nguyên bấm số mà nó nhầm lần thứ hai. Vẫn chất giọng đục ngầu bên kia đầu dây: ” Nhầm số rồi”. Rồi cúp máy.

Nguyên gọi lần thứ ba. Lần này Nguyên mở lời trước khi bên kia kịp nói: ” Cháu biết là cháu nhầm số, nhưng sao bác biết là nhầm số khi cháu chưa kịp nói?”

Cúp máy.

*****************************

Không khó để Nguyên tìm ra địa chỉ nhà của số điện thoại. Đó là căn nhà nhỏ trên đường Nguyên vẫn thường đi học. Thu hết sự can đảm vào đầu ngón tay, Nguyên bấm chuông cửa.

Đứng trước mặt Nguyên lúc này là ông cụ còn khá minh mẫn. Ông nhìn Nguyên từ đầu xuống chân rồi lại từ chân lên đầu. Mắt nheo nheo, đôi môi méo xệch sang một bên đầy khó chịu:

– Tìm ai?

– Cháu là người gọi nhầm số ngày hôm qua.

– Có việc gì?

– Cháu chỉ thắc mắc tại sao ông lại biết cháu gọi nhầm số khi mà cháu chưa kịp nói câu nào?

Tiếng cửa đóng lại khô khốc trả lời câu hỏi của Nguyên.

Nguyên và ông Thành đã quen nhau như thế.

*****************************

Đó là năm 2000. Năm đó ông Thành 73 tuổi.

Cuộc đời ông Thành là cuộc đời đầy sóng gió như bao người cùng thế hệ ông. Năm nạn đói xảy ra, ông có đứa con đầu lòng. Thời ấy không khó khi có được một đứa con cũng như người sinh đứa con cho mình. Nhưng cả người đàn bà và đứa con ấy đều chết đói chỉ sau đó một tuần. Ngày đất nước chia cắt hai miền, ông có đứa con thứ hai với người đàn bà xa lạ mà ông cũng đã quên tên, và hai người cũng mất trong cơn loạn lạc. Ngày miền Nam có chính phủ riêng, ông đi lính và có thêm đứa con thứ ba, thứ tư, thứ năm, thứ sáu trong vài năm sau đó cùng với vài người đàn bà nào đó mà ông cũng không nhớ hết tên bọn họ.

Hòa bình lặp lại trên hai miền, những người đàn bà của ông cùng với những đứa con của họ đi mất. Còn ông thì đi cải tạo. Hết hạn cải tạo, ông lại trở về cuộc sống mưu sinh và tiếp tục có vài đứa con cùng vài người đàn bà lướt qua đời ông, dĩ nhiên, ông cũng vẫn chẳng nhớ tên họ . Rồi thì ở tuổi 73, ông cô độc, không bạn bè, không con cái, không họ hàng. Chiếc điện thoại bàn để góc nhà chẳng qua là để nhờ người hàng xóm định kỳ gọi đến, không nghe hồi đáp thì tức ông đã chết. 

Ông Thành vẫn thường bảo, cuộc sống như hiện nay có lẽ là quả báo. Quả báo cho những việc ông đã làm thời tuổi trẻ, cái tuổi trẻ ngông cuồng và bồng bột đến khó tin. Cái tuổi trẻ của một thời kỳ loạn lạc, thời kỳ không lý tưởng, không niềm tin, không mục đích. Cái tuổi trẻ chỉ biết sống từng ngày và chỉ quan tâm việc sống hằng ngày. Cái tuổi trẻ mà mỗi sớm thức dậy, ta chẳng biết rằng ta sẽ còn sống bao lâu trong cõi đời này.

Sống với ông vào những năm 2000 là một người đàn bà ông gọi là vợ. Họ không có con với nhau. Bà cụ hằng ngày vẫn kiếm những đồng bạc lẻ bằng việc ngồi một quầy vé số dưới sân chung cư. Ông thì cũng chỉ còn sức đủ để dọn dẹp nhà cửa thay bà và thỉnh thoảng môi giới vài món đồ cổ mà người ta cậy nhờ ông thẩm định nhờ vào số tuổi đời của mình.

Ông thương bà, người ông gọi là vợ. Bà đến với ông vào những năm đất nước đổi mới. Khi cuộc sống quá khắc nghiệt cho từng cuộc đời, con người ta tìm đến nhau để duy trì đời sống và tạo nơi nương tựa lẫn nhau, cùng tồn tại một cuộc đời chung. Ông vẫn thường nói đùa: ” Xui là đất nước thanh bình nên không có cơ hội chia ly, thành ra hai tụi tao vẫn sống cùng nhau đến hiện giờ.” Nguyên lúc đó không hiểu hết hàm ý của ông, nhưng nó biết ông rất thương bà. Ông thức chăm bà, ông an ủi bà, ông cực nhọc ngồi phơi nắng thay bà và ôm bà thật chặt mỗi hôm trời trở gió.

Mãi sau này, Nguyên mới ngẫm nghĩ: “Cuộc đời phải chăng bắt đầu có ý nghĩa để tạo dựng khi ta biết được ai sẽ sống cùng ta đến cuối đời này?”

Nguyên vẫn thường đến nhà ông Thành giúp ông dọn dẹp và lại ngồi tìm ra vài bài báo cũ hoen vàng, vài tấm hình úa màu rồi bắt ông kể nó nghe từng khoảnh khắc ấy. Lịch sử là gì ngoài một cuốn tiểu thuyết lãng mạn của một nhóm người nào đó muốn viết nên và kêu gọi thành công một đám đông nào đó tin tưởng và hiện thực hóa cùng? Trong cuốn tiểu thuyết ấy, phải chăng đến một lúc nào đó các tác giả lại phản bội chính độc giả của mình bằng cách duy trì những lời hứa hẹn về một kết thúc có hậu trong khi cứ dằn vặt họ trong một nỗi đau đầy tính trần thế? Ông Thành chỉ rít hơi thuốc dài, ném cái nhìn xa xôi vào khoảng trời xanh khi nghe Nguyên hỏi: ” Tại sao ông lại đi lính cho một chế độ mà ông biết nó sai?” 

Sai hay đúng trong cuộc đời này có thật là quan trọng không? Khi giá trị đúng hay sai đó, mỗi thời lại mỗi khác? Làm thanh niên trong một chế độ nào thì cũng phải thi hành nghĩa vụ cho chế độ đó, liệu có khác được không? Tức là dù muốn hay không, chúng ta buộc phải làm một độc giả hờ hững hoặc nhiệt thành cho một cuốn tiểu thuyết. Hờ hững hay nhiệt thành cũng được, miễn phải là độc giả. Nếu không, ta cũng chỉ đứng ngoài lề cái guồng máy xã hội vận hành. Và rồi trong guồng máy đó, sự tranh giành có nghĩa hay không khi ai rồi cũng chết, ai rồi cũng trong 4 vách gỗ im lìm, ai rồi cũng là nắm đất như nhau. Ừ thì sẽ rồi có kẻ được nhớ, có kẻ được quên, nhưng có nghĩa gì không khi ai rồi cũng bị quên và lãng quên bằng cách này hay cách khác?

Nguyên không hiểu và không thể hiểu vào những năm đó.

Năm đó là năm 2000. Còn Nguyên thì 13 tuổi.

**********************************************

Năm đó là năm 2014. Năm đó Nguyên 27 tuổi còn ông Thành 87 tuổi.

14 năm trôi qua. Nguyên không còn ghé thăm ông Thành như ngày nào.

14 năm trôi qua. Thỉnh thoảng Nguyên vẫn chạy qua lối cũ, thỉnh thoảng vẫn dừng lại trước nhà ông. Cánh cổng thì im lìm, Nguyên thì lưỡng lự. Ma lực vô hình nào ngăn bước chân Nguyên, Nguyên không rõ. Có phải Nguyên sợ đối diện lại những gì 14 năm trước anh phủ quyết. Có phải Nguyên sợ phải nhận lấy một gánh nặng  khác trong cuộc đời này nếu Nguyên nhấn chuông cửa. Có phải Nguyên sợ đứng trước Nguyên lúc đó là một ông lão khòm khèm sẽ hỏi bằng giọng đục ngầu: ” Cậu là ai”. Khi ấy, Nguyên sẽ nhận ra thời gian đã quá khắc nghiệt thế nào đối với đời sống. Khi ấy, Nguyên nhận ra rằng, đến độ tuổi nào đó, những người trẻ buộc phải đồng ý với những người già về những kinh nghiệm về cuộc sống mà chỉ mươi năm trước thôi, họ còn chối đây đẩy và còn cho rằng người già thật lỗi thời và an phận.

Cuộc đời này phải chăng chẳng thay đổi gì dù có trải qua bao nhiêu năm đi chăng nữa. Lịch sử thì vẫn thất hứa với con người, con người thì lỗi hẹn với nhau, do đó cuốn tiểu thuyết mà tất cả chung tay viết cùng cứ thế mà dang dở hoài không kết. Con người vẫn thường sống không đủ lâu để nhận ra guồng quay cuộc đời vẫn quay quanh trục cố định suốt hàng ngàn năm, cái thay đổi chỉ là hình thức, còn nội dung…….vẫn như thế.

14 năm trôi qua, Nguyên trưởng thành trong một đời sống đầy khắc nghiệt không kém gì cuộc đời ông Thành. Cuộc đời là ông Thành là cuộc đời chia ly bởi lịch sử và số phận, cuộc đời của Nguyên là cuộc đời chia ly bởi sự lựa chọn của con người. Con người, phải chăng tìm đến nhau khi không biết gì về nhau, nhưng rồi lại xa nhau khi quá biết rõ về nhau. Con người, phải chăng tìm đến nhau khi cần viết một chương nào đó trong tiểu thuyết cuộc đời nhưng rồi họ lại tự chọn cách xa nhau khi tự đặt bút chấm hết cho một chương lãng mạn và đam mê đó. Con người, phải chăng giết chóc lẫn nhau cũng chỉ vì muốn viết một chương cuộc đời riêng của mình, bất chấp tổn hại đến chương cuộc đời của người khác, mà do đó lại chia ly nhau đến cuối đời. Cuộc đời con người phải chăng là cuộc chia ly bất tận và kéo dài không bao giờ chấm dứt.

Con người cần bao lâu để nhận ra cuộc sống xét đến cùng chỉ như một người cố gắng đạp lấy chiếc bóng của chính mình, như cách con chó cố gắng đuổi theo chiếc đuôi của mình, như một giọt mưa rơi tan nát khi vừa chạm mặt đường dù trước đó đã được bay lên cao đến những khoảng trời bao la? 14 năm, 28 năm? 42 năm hay lâu hơn nữa? 

Con người vẫn thường sống không đủ lâu để nhận ra guồng quay cuộc đời vẫn quay quanh trục cố định suốt hàng ngàn năm, cái thay đổi chỉ là hình thức, còn nội dung…….vẫn như thế. Chúng ta có thể lưu giữ kí ức, kinh nghiệm ấy bằng những câu chuyện, bằng những lời kể của những thế hệ trước, nhưng bao nhiêu ai sẽ nhớ, bao nhiêu người sẽ quên. Và lịch sử thì vẫn thất hứa với con người, con người thì lỗi hẹn với nhau, do đó cuốn tiểu thuyết mà tất cả chung tay viết cùng cứ thế mà dang dở hoài không kết.

**********************************

Năm đó là năm 2014. Năm đó Nguyên 27 tuổi còn ông Thành 87 tuổi.

Cuối năm đó, như mọi lần, Nguyên vẫn đi lại con phố cũ. Hôm nay, nhà ông Thành nhộn nhịp hẳn. Đội kèn, đội trống ê hề đầy ngõ. Nguyên dừng xe, ngồi bên quán nước mía gần đấy. 

Chủ quán sau một hồi trầm ngâm: ” Cả mấy chục năm không thấy ai, lúc chết thì con cháu đầy nhà không biết ở đâu ra.”

Trầm ngâm thêm một lúc, chủ quán lại thở hắt: ” Nghe đâu ông Thành có để lại giấy đất đai gì đó mà tụi nó tìm không thấy.”

Trầm ngâm thêm một lúc, chủ quán lại thở dài: ” Thôi mà cũng còn may. Không biết con cháu thật hay không, nhưng ít ra có đứa đứng ra lo hậu sự còn hơn chết khô già không ai đoái hoài”.

Nguyên bật cười một mình. Anh trả tiền, bước ra xe, nhìn lại ngôi nhà lần cuối.

Con người thật lạ, ngay cả lúc phũ phàng và nhẫn tâm nhất trong giây phút cuộc đời, họ cũng vẫn cố tìm ra lý do an ủi chính mình, để tìm thấy tia sáng le lói cuối đường hầm dù ở thì hiện tại và cả thì tương lai.

Ừ thì ai rồi cũng chết, quan trọng là chết trong một cái chết như thế nào. Phải không?

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Hotline

Zalo

Đăng ký