Giả định rằng, tư tưởng PGHH và THHS có sự liên đới với nhau về nội dung và các phạm trù mà sẽ được chứng minh và phân tích sau đây. Về niên đại ra đời, THHS (1940) ra đời chỉ ngay sau PGHH (1939) chỉ một năm. Tuy nhiên, khó có thể kết luận tư tưởng PGHH và THHS có sự liên đới trực tiếp với nhau dẫu rằng THHS ra đời tại Pháp và Việt Nam ta đang dưới sự cai trị của Pháp cũng trong thời điểm này, vì vấn đề thừa kế tư tưởng của PGHH từ Bửu Hương Kỳ Sơn như ta đã biết.
Dẫu rằng, nếu cho rằng tư tưởng hiện sinh đã có trước cả PGHH cả một thời gian dài từ Soren Kierkegaard thì cũng do vấn đề địa lý và lịch sử cũng không thể cho phép sự kế thừa hay ảnh hưởng trực tiếp từ nhau.
Tuy nhiên, về đối tượng của tư tưởng là hiện thực, là những hoàn cảnh hiện thực mang tính lịch sử, thành ra, chúng ta vẫn có thể thấy những nét tương đồng giữa hai hệ thống này qua những phạm trù.
Trong bài phân tích sau đây, hiển nhiên, tôi sử dụng các phạm trù của THHS như là cơ sở để phân tích tư tưởng PGHH thay vì ngược lại, chỉ vì Chủ nghĩa hiện sinh đã tiến bộ thành một hệ thống triết học với những phạm trù khoa học nhiều hơn so với hệ thống tư tưởng PGHH vốn chưa đúc kết thành những phạm trù mà hòa lẫn nó vào giáo lý của chính mình.
Các phạm trù Triết học Hiện sinh trong giáo lý Phật Giáo Hòa Hảo:
Buồn nôn
Là trạng thái sinh hoạt lầm lì của thường nhật. Nói rõ hơn: buồn nôn là cảnh sống của những người chưa vươn lên tới mức đích thực, còn cam sống như cây cỏ và động vật. Khi tôi sực tỉnh giấc phóng thể, khi tôi ý thức về địa vị và thiên chức làm người của tôi, tôi tự thấy nôn nao vì cuộc đời súc vật của tôi trước đây: tôi đã chỉ lo sống, lo ăn, lo mặc, lo cho mình đủ những tiện nghi.
Buồn nôn, không phải những người sống thừa ra như cây cỏ kia biết buồn nôn. Không! Họ là sự buồn nôn cho các triết gia hiện sinh. Chính những triết gia và những ai đã vươn tới mức hiện sinh đích thực mới cảm thấy buồn nôn.
Ở PGHH, Huỳnh Phú Sổ cũng có sự “buồn nôn” như thế trước thực tại, tuy nhiên với văn hóa Á Đông riêng biệt, thái độ buồn nôn này không phải sự nôn mửa như thái độ cực đoan của Âu Châu mà là sự thở dài tiếc thương trước cảnh đời “ buồn nôn”.
Mà trước hết, là sự chán về bối cảnh hiện đại trong Thế giới: các nước từ Âu sang Á đang lâm vào vòng Đệ nhị Thế chiến; cuộc tranh giành loạn lạc diễn khắp nơi, khiến chúng dân phải sống cuộc đời điêu linh đồ thán, lòng người trở nên tham tàn bạo ác; tình trạng tôi bất trung, con bất hiếu, vợ bất nghĩa, chồng bất nhân, thường xảy ra khắp xã hội.
“ Thấy đời ly-loạn bất an
Khắp trong các nước nhộn-nhàng đao binh.
Kẻ thời phụ nghĩa bố-kình[1],
Nguời thời trung-hiếu chẳng gìn vẹn hai.
Nên Điên khuyên-nhủ bằng nay,
Xin trong lê-thứ[2] ngày rày tỉnh tâm.
Cơ thâm thì họa diệc thâm[3],
Nào trong sách sử có lầm ở đâu.
Người khôn nghe nói càng rầu,
Người ngu nghe nói ngửa đầu cười reo.
Rồi sau sẽ thấy hùm beo,
Khắp trong bá tánh hiểm-nghèo đáng thương”.
( Sấm giảng khuyên người đời tu niệm)
Thứ hai, là thái độ chán ngán của Huỳnh Phú Sổ về lối tu đạo đời của bộ phận dân chúng lúc bấy giờ.
“Thấy trong bá tánh phàm trần,
Kẻ khinh người nhạo Thần Tiên quỉ tà.
Mặc ai bàn tán gần xa
Quỉ của Phật Bà sai xuống cứu
Kẻ xa thì mến đức-ân,
Làm cho người gần ganh-ghét khinh khi.
Nam mô, mô Phật từ-bi,
Miệng thì niệm Phật lòng thì tà-gian.
Khắp trong bá-tánh trần-hoàn,
Cùng hết xóm làng đều bỉ người Điên”.
( Sấm giảng khuyên người đời tu niệm)
Thứ ba, là thái độ chán ngán của Huỳnh Phú Sổ về cảnh con người sống trong cõi trần, bất luận giàu nghèo hay già trẻ trí ngu, ai cũng đồng một bịnh là ham muốn tài sắc cho nhiều, tước quyền cho lớn, để mặc tình ăn sang mặc sướng, đài các xa hoa. Họ mãi chạy theo tiếng gọi của lòng tham mà gây nên thảm cảnh chiến tranh giành xé, máu đổ thịt rơi.
“Dương-trần kẻ trí người ngu,
Ham võng ham dù danh-lợi xuê-xang.
Cờ đà đến nước bất an,
Chẳng lo tu niệm tham gian làm gì
Phật, Trời thương kẻ nhu-mì,
Trọng cha, yêu Chúa kính vì Tổ-Tông.
Ngồi buồn nói chuyện bông-lông,
Khắp trong trần-hạ máu hồng nhuộm rơi”.
( Sấm giảng khuyên người đời tu niệm)
Hoặc là:
“Rằng bên thế giới Ta Bà,
Chúng sanh tàn sát cũng là vì tham”.
(Đi Khuyến Nông Về)
Phóng thể
Là tình trạng của những con người chưa tự ý thức mình là những nhân vị độc đáo. Người phóng thể là người sinh hoạt như mọi người, và hành động chỉ vì người ta bảo mình làm hoặc nghĩ mình phải làm như thế.
Có nhiều hình thức phóng thể:
Duy tâm: phát sinh do sự người ta quá suy tôn một thứ đạo đức giả tạo, đạo đức mơ mộng và ảo tưởng đấy là ích kỷ và lười biếng.
Duy vật đồng hoá con người với một cơ năng để hoạt động. Nhưng hành động một cách vô ý thức.
“Sống tập đoàn là một bước tiến của tinh thần, nhưng bước tiến đó chấm hết khi con không còn giữ được óc sáng kiến và tự chủ, và khi chí khí mạnh mẽ nhường bước cho sự câu nệ của tập thể” Mounier.
Phóng thể làm cho con người sống yên hàn trong tình trạng sự vật, sự vật của gia đình, sự vật của nhóm, của đảng, của đoàn thể, của tôn giáo an nhàn.
Bàn thế hình thức phóng thể này, Huỳnh Phú Sổ tập trung vào những luận điểm, luận chứng:
Phê phán thói đời xa hoa, đàng điếm, chuộng văn mình Âu – Tây mà đánh mất đi bản sắc của chính mình[4]
Văn-minh sửa mặt sửa mày,
Áo quần láng mướt ngày rày ăn chơi.
Dọn xem hình vóc lả-lơi,
Ra đường ăn nói những lời nguyệt-hoa.
Trong tâm nhớ những điều tà,
Lời ăn tiếng nói thiệt là quá lanh.
Xưng là đầu trẻ tuổi xanh,
Chẳng trau hiền-đức học-hành làm chi?
Khôn-ngoan thời những chuyện gì,
Cũng là lừa dối vậy thì dân quê.
Người xưa nó lại khinh chê,
Ông cha hủ-bại u-mê hơn mình.
Tự-do trai gái kết tình,
Với lo trau-sửa cho mình đẹp tươi.
Gái trai đến tuổi đôi mươi,
Chẳng kiêng cha mẹ nói cười lả-lơi.
So hình sửa sắc chiều mơi,
Đặng làm những chuyện trái đời vô liêm
( Sấm giảng)
Phê phán những sự nương tự tôn giáo giả hoặc để sống một đời phóng thể tầm thường.[5]
Lũ thầy-đám hay bày trò khỉ,
Mượn kinh luân tụng mướn lấy tiền.
…
Theo Thần-Tú tạo nhiều chuông mõ,
Từ xưa nay có mấy ai thành?
….
Xá với phướn là trò kỳ-quái,
Làm trai-đàn che miệng thế-gian.
Kẻ vinh-hoa phú-quí giàu sang,
Mướn tăng-chúng đặng làm chữ hiếu.
( Kệ dân của người Khùng)
Cứ lo làm việc tà-tây,
Bắt ngưu bắt cầy đặng chúng làm ăn.
Chừng đau niệm Phật lăng-xăng,
Phật đâu chứng kịp lòng người ác-gian.
Thấy đời mê-muội lầm-than,
Ăn bạ nói càn tội-lỗi chỉn ghê.
Chữ tu không phải lời thề,
Mà không nhớ đến đặng kề Tiên-bang.
Nói nhiều trong dạ xốn-xang,
Cùng hết xóm làng tàn-ác nhiều hơn.
Thầy chùa như thể cây sơn,
Ngoài da coi chắc trong thời mối ăn.
Buồn thay cho lũ ác-tăng,
Làm điều dối thế cho hư Đạo-mầu.
(Sấm giảng)
Ưu tư
Ưu tư là bước đầu của sự đi lên. Ưu tư là bắt đầu vươn lên.
Không ai tha thiết với tôi bằng tôi. Nếu tôi không tha thiết với mình thì ai tha thiết tìm tôi để khai thác những khả năng vô tận mà Thượng Đế đặt nơi tôi?
Khi tôi ưu tư về tôi, tôi nhìn thẳng vào nôi tâm của tôi, nhìn thằng vào định mệnh cao cả và ghê sợ của tôi nhất là vì tôi biết rằng trong việc này không ai có thể giúp tôi. Tôi chết một mình thế nào thì tôi cũng sống một mình như thế. Đau khổ nằm sâu trong tôi và sự chết sẽ hoàn thành sự ngăn cách giữa tôi và tha nhân.
Tóm lại ưu tư là vẻ đặc sắc của một cuộc hiện sinh là đã tự ý thức, muốn dứt mình ra khỏi cảnh sống thừa, sống an nhàn của sự vật và của những con người phóng thể. Cho nên ưu tư là sức chuyển động, là những cái cựa mình để vươn lên. Cho nên có thể coi yếu tính của ưu tư là xao xuyến, cựa mình để vươn lên và không bao giờ cam chịu.
Sự ưu tư nơi Huỳnh Phú Sổ bộc lộ ở hầu hết các tác phẩm của ông, nội dung là sự ưu tư về trọng trách cứu vớt người đời của mình, là sự băn khoăn và tiếc thương nhân loại đầy u mê và tội lỗi.
Những điều này được ông viết:
Khùng thảm thương bá-tánh quá chừng.
Nhìn xem trần nước mắt rưng-rưng,
Cảnh áo-não kể sao cho xiết.
Ta dạy-dỗ là vì tình thiệt,
Cho bá-gia rõ biết người Khùng.
Thấy dương-trần làm dữ làm hung,
Nên khuyên nhủ cho người lương-thiện.
( Kệ dân của người Khùng)
Điên biết chẳng lẽ làm thinh,
Nói cho bá-tánh mặc tình nghe không.
Việc Điên, Điên xử chưa xong,
Lục-Châu chưa giáp mà lòng ủ-ê.
Người nghe đạo lý thì mê,
Kẻ lại nhún trề nói: Lão kiếm cơm.
Thấy nghèo coi thể rác-rơm,
Rồi sau mới biết rác-rơm của Trời.
(Sấm giảng)
Vươn lên
Phạm trù Vươn lênđược phát sinh bởi Kierkegaard, khi ông đề cập các giai đoạn cuộc đời, và con người luôn cần vươn lên để đạt được giai đoạn cao hơn, cụ thể là giai đoạn hiếu mỹ phải vươn lên đạo đức, và từ đạo đức lại vươn lên tôn giáo.
Mặt khác, Kierkegaard nhiều lần phản đối những hình thức tôn giáo trưởng giả vì chúng ru ngủ con người, bảo hiểm con người, như vậy con người tôn giáo mất đi tính hiện sinh trung thực; thay vì thăng tiến con người, những tôn giáo này đã lấy mất đi nhân vị của con người, đẩy họ xuống hàng sự vật thụ động và máy móc. Chúng ta có cảm tưởng ông luôn luôn cảnh tỉnh con người: “ Coi chừng sa lầy! Tất cả những gì ru ngủ đều là những sa lầy. Những triết thuyết và tôn giáo hô to rằng sẽ bảo đảm cho chúng ta: đó là những sức phá hoại nhân vị của ta. Chúng chỉ có chủ đích là giúp ta thôi là người để chúng làm người giúp chúng ta!”
Trong PGHH, đề tài này được Huỳnh Phú Sổ đề cập đến ở những điểm:
Phê phán những mê-tín dị-đoan, những âm-thanh sắc tướng, những sự dối tu, lòe đời:
Theo Thần-Tú tạo nhiều chuông mõ,
Mà xưa nay có mấy ai thành!
. . .
Những giấy tiền vàng bạc cũng thôi,
Chớ có đốt tốn tiền vô lý.
………………….
Tu vô-vi chớ cúng chè xôi,
Phật chẳng muốn chúng sanh lo-lót.
( Kệ dân của người Khùng)
Chết rồi cũng bớt cóc keng,
Trống đờn lễ nhạc tế xen ích gì!
Ðàn nhu thầy lễ cũng kỳ,
Mắc phải chuyện gì phủ-phục bình hưng?
( Sấm giảng)
Sau đó là đề cao những việc làm phước thiện, vừa mang tính hiện sinh của chính mình, vừa là hành động hiện sinh tôn giáo thiết thực mà mình lựa chọn:
Mà chẳng chịu làm tròn nhơn-đạo.
Kẻ nghèo khó hụt tiền thiếu gạo,
Mở lòng nhơn tiếp rước mới là.
Làm hiền-lành hơn tụng hơ-hà,
Hãy tưởng Phật hay hơn ó-ré.
Đã chánh Đạo thêm còn sức khoẻ,
Đặng nuôi cha dưỡng mẹ cho tròn.
Vẹn mười ơn mới đạo làm con,
( Kệ dân của người Khùng)
Độc đáo
Trái lại với triết hiện sinh là triết nhân vị, nên không quan niệm con người hiện sinh đích thực là một sinh vật sống trong lịch sử nhưng là những nhân vị luôn luôn dùng dự phóng để cấu tạo nên lịch sử của mình.
Một khi đã ý thức sâu xa về tính chất độc đáo của hiện sinh mình, con người tự cảm thấy cô đơn: chính tôi sẽ chết cái chết của tôi, không ai chết giúp tôi được; vậy thì cũng chính tôi phải sống cuộc sống đó, nghĩa là tôi đừng sống theo đuôi “người ta”. Khi nào tôi đảm nhiệm lấy cô đơn, đó chính là lúc tôi dám làm người có nhân vị độc đáo: khi đó tôi sẽ dám phát huy tất cả những khả năng riêng biệt của tôi theo những đường lối chỉ tôi có, nên chỉ mình tôi biết phải khai thác thế nào để có thể đạt tới mức hoàn toàn.
Trong phạm trù này, Huỳnh Phú Sổ đã có những câu sấm nói về chính bản thân mình, nói về chính sự hiện sinh cô đơn của mình,
“Việc đời như nước trong khe,
Nó tưởng đặt vè nói biếm người hung[6].
Điên này nối chí theo Khùng[7],
Như thể dây dùn đặng cứu bá-gia.”
( Sấm giảng khuyên người đời tu niệm)
Nhưng không phải là sự hiện sinh thụ động chấp nhận sự cô đơn mà ngược lại là một thái độ luôn sẵn sàng cho việc tạo nên lịch sử của mình:
“Chuyện này cũng lắm tuyệt-vời,
Giả như Hàn-Tín đợi thời lòn trôn.
Đến sau danh nổi như cồn,
Làm cho Hạng-Võ mất hồn mấy khi.
Chuyện xưa thanh-sử còn ghi,
Khen anh Hàn-Tín vậy thì mưu cao.
Chuyện đời phải có trước sau,
Điên Khùng khờ dại mà cao tu hành”.
…
Vì Điên chưa đến cái thời,
Nên còn ẩn dạng cho người cười chê.
( Sấm giảng khuyên người đời tu niệm)
Ai chưởi mắng thì ta giả điếc,
Ðợi cho người hết giận ta khuyên.
Chữ nhẫn hòa ta để đầu tiên,
Thì đâu có mang câu thù oán.
( Giác mê tâm kệ)
Tổng kết:
Như những gì phân tích vừa trên, ta thấy giữa THHS và PGHH có những sự tương đồng nhất định về người sáng lập, về các phạm trù và nội dung lý thuyết của mình.
Do đó có thể thấy rằng, hiện sinh trong PGHH không phải là một hiện sinh vô thần như hiện sinh vô thần của Nietzsche mà là hiện sinh hữu thần của Kierkegaard; không phải là hiện sinh về phương pháp luận như Husserl mà là hiện sinh siêu việt của Jasper; không phải hiện sinh phi lý của Sartre mà là hiện sinh huyền nhiệm của Marcel.
Trong sự hạn chế của mình, bài viết chỉ liệt kê và chứng minh một phần nhỏ trong sự tương đồng của hai hệ thống lý thuyết này trên bình diện chung nhất của Triết học Hiện sinh và giáo lý PGHH.
Và một sự thật rằng, chúng ta có thể tìm thấy đầy đủ chất hiện sinh này trong toàn bộ giáo lý, thi văn của PGHH; và một sự thật rằng sự tương đồng này không phải cho thấy có sự liên đới trực tiếp lẫn nhau giữa hai hệ thống, nhưng là chứng minh một sự thật cũ kỹ nhưng đầy tính chính xác: “ Tư duy con người là tư duy có đối tượng cụ thể, có nguồn gốc cụ thể” mà trong Triết học Hiện sinh lẫn PGHH đó là sự khắc khoải về thân phận con người, vị thế con người trong một thế giới khách quan xa lạ; đều mang nặng tính chất bi đát của kinh nghiệm con người về định mệnh của mình.
Triết Hiện sinh cũng như PGHH không mất thì giờ bàn những chuyện xa xôi về những lẽ huyền vi của tạo hoá, nhưng chỉ chú trọng đến thân phận của con người, tìm hiểu ý nghĩa của cuộc sống và của cái chết.
Triết học Hiện sinh cũng như PGHH không nói đến những nguyên nhân xa xôi, nhưng nối đến con người sinh hoạt trong xã hội loài người.
Triết học Hiện sinh cũng như PGHH không dùng lối danh từ chuyên môn trừu tượng, nhưng dùng lối văn bình dị của mọi người.
Đó rõ ràng luôn là lập trường và chủ đích của Triết học Hiện sinh và hiển nhiên cũng là Phật Giáo Hòa Hảo.
[1] Cũng đọc là Bố Kinh. Bố là vải; Kinh là gai, do câu “Bố Quần Kinh Thoa”(mặc quần áo bằng bô vải, cài trâm bằng gai). Thành ngữ xuất phát từ điển tích Lương Hồng:
Anh người đời Ngụy Võ Đế (Trung Hoa), học thức uyên bác và rất trọng điều khí tiết. Lương Hồng cưới vợ là nàng Mạnh Quang, con nhà giàu có. Lúc mới về nhà chồng, nàng ăn mặc lộng lẫy, trang sức theo con nhà đài các. Lương Hồng lẳng lặng trong bảy ngày không nhìn đến vợ. Mạnh Quang nhận biết, tự thay đổi hàng lụa, mặc quần áo vải, cài trâm bằng gai. Lương Hồng mừng rỡ bảo:“ Đây mới chính là vợ của Lương Hồng”.
Không màng công danh phú quý, Hồng và vợ lo cày bừa và dệt cửi để sanh nhai; tuy được chồng trọn yêu, nhưng lúc nào Mạnh Quang cũng hết lòng cung kính. Mỗi bữa ăn hay có vật gì đưa cho chồng. Mạnh Quang đều để vào cái mâm, đưa lên ngang mày để tỏ lòng kính trọng chồng (Mạnh Quang cử án tề mi). Cho nên chữ Bố Kình có ý nói người vợ hiền từ chính đính, xử sự kính thuận với chồng.
Truyện Kiều có câu:
“Đã cho vào bực Bố Kình,
Đạo tùng phu lấy chữ trinh làm đầu”.
Vậy câu “phụ nghĩa Bố Kình” ở đây là chỉ cho con người đời nay, giữa chồng vợ cư xử với nhau ít người được nghĩa ân chung thỉ, thường phụ rãy lẫn nhau
[2] Lê là đen; thứ là đông, nhiều. Cũng có nghĩa như chữ lê dân (dân đen) chỉ cho tất cả nhân dân.
[3] Cơ là mưu mẹo khôn khéo; thâm là sâu kín, là nhiều. Do câu Thành ngữ “Cơ thâm họa diệc thâm”. Có nghĩa nếu mình dùng mưu mẹo sâu độc hại người bao nhiêu thì kết cuộc mình cũng gánh lấy tai vạ sâu độc bấy nhiêu.
[4] Phóng thể duy vật.
[5] Phóng thể duy tâm
[6] Huỳnh Phú Sổ cho rằng lời Sấm Giảng của ông báo trước cuộc đời sắp đến ngày tàn cỗi để lập lại thế gian. Thế mà còn nhiều người chẳng tin, cho đó là bài vè để nhạo báng người hung ác
[7] Tức là Phật Thầy Tây An, bởi căn cứ vào câu giảng:“Khùng thời quê ngụ núi Sam”(Sấm Giảng, Q.1) và “Lời của người di tịch núi Sam”. (Sấm Giảng, Q.2)