1. Duy tâm – Duy vật và các vấn đề xung quanh nó

 

Cho đến nay, vẫn còn những giáo viên dạy các môn chủ nghĩa Mác Lênin cho rằng các nhà triết gia được gọi là duy tâm là một bọn hồ đồ, không khoa học, và nhảm nhí vô tận. Điều đáng tai hại nữa là họ truyền đạt những điều đấy đến các sinh viên vốn chẳng biết gì là triết học để rồi một cách tự nhiên, những sinh viên có tư duy lại bắt đầu đặt câu hỏi vốn là sự tranh cãi vô tận giữa 2 trường phái này, và dĩ nhiên, họ không có được câu trả lời mong muốn.

 

Thực sự duy vật, duy tâm là gì và nếu duy tâm là 1 trường phái hồ đồ thì liệu nó còn đứng vững đến ngày nay? Liệu rằng khi bàn về Hegel, hay Kant, hay Plato, các nhà nghiên cứu vẫn còn băn khoăn và suy tư không ngừng về các vấn đề họ đã đặt ra, cái mà những người tự xưng là duy vật đã vứt bỏ mà chẳng thèm nghĩ đến?

 

Cho đến thời điểm này, có lẽ chẳng ai bác bỏ được vấn đề rằng, tư duy của con người không tự nhiên được hình thành mà chính thời đại của tư duy đó sinh ra tư duy đó. Thời đại đó, vấn đề đó chính là cái vật chất mà Lenin đã bỏ công định nghĩa, đã băn khoăn và suy tư về cái lớp người tự xưng là duy vật chẳng thể hiểu ra và chạy theo tìm kiếm cái gọi là vật chất nguyên bản tạo thành thế giới – và dĩ nhiên tạo thành tư duy con người.

 

Một nhà triết học sẽ chẳng băn khoăn trong việc tìm ra cái gì đã tạo nên thế giới và tạo ra tinh thần. Những công việc đấy là dành cho các nhà vật lí, các nhà hóa học, các nhà khoa học tự nhiên, không phải là lĩnh vực của triết học. Nhà triết học là nhà phải tìm ra cách thức vận động của nó, cái tinh thần, và sự tác động của ngoại cảnh đến tinh thần này. Và sự thật, các triết gia từ cổ chí kim hoàn toàn dựa trên nguyên tắc này để được công nhận là 1 triết gia. Thế thì, thực sự cái gọi là duy tâm, duy vật trong triết học chẳng có nghĩa gì, và thực sự chẳng có nghĩa gì ngoài việc phân loại để người khác biết rằng, xuất phát điểm lí luận của họ là gì, từ cái ngoại cảnh hay tự nội tại ý thức. Đó là điều Engels đã khẳng định, chứ chẳng là gì mới mẻ. Thế mà, nếu như chỉ là những người dân bình thường bập bẹ triết ngộ nhận đã đành, vấn đề đang nói lại nằm ở sự ngộ nhận vớ vẩn của những người đứng hàng tiến sĩ, thạc sĩ triết học khi đề cập đến thuật ngữ duy tâm, duy vật.

 

Cách đây không lâu, trong một hội thi toàn quốc về Tìm hiểu các bộ môn khoa học Mác Lenin, trong một câu hỏi rằng “ bệnh chủ quan, vội vàng, đốt cháy giai đoạn trong việc cải tạo thế giới” là biểu hiện của trường phái triết học nào, thì một GS-TS đầu ngành trong bộ phận BGK rất vô tư và hồn nhiên công bố đáp án rằng đấy là trường phái Duy tâm chủ quan. Chẳng hiểu được là, vị GS-TS ấy nghĩ gì khi có thể vô tư và hồn nhiên như thế. Vì khái niệm “ cải tạo thế giới” có lẽ chỉ có trường phái Marx mới sử dụng đến, và dĩ nhiên nếu đấy là duy tâm chủ quan thì căn bệnh chủ quan duy ý chí của các nhà duy vật cải tạo thế giới sẽ ở đâu trong căn bệnh này?

 

Nhưng rõ ràng rằng, nếu nhìn thẳng vào cái khái niệm “ duy tâm chủ quan” mà vị GS-TS ấy dùng rõ ràng có 1 cái gọi là duy tâm và chủ quan thật. Và nếu như vậy, thì cái gì thực sự là chính xác và rõ ràng trong vấn đề này? Có lẽ, chúng ta vẫn còn ngộ nhận và nhầm lẫn về thuật ngữ duy tâm và duy vật này. Ngộ ngận cái khái niệm của nó mang và ngộ nhận giữa cách dùng nó trong triết học và cách dùng nó trong đời thường.

 

Trong cuộc sống hằng ngày, chúng ta đều không tránh được những tranh cãi to có, nhỏ có, vụn vặt có. Những cuộc tranh cãi ấy, dù khác nhau về nội dung nhưng đều chung một bản chất là mong muốn tìm ra được quan điểm chung nhất, tối hậu về cái mà chúng ta đang nói. Trong quá trình tranh cãi, tranh luận đó chúng ta đều bắt gặp những luận điểm như “ tùy người thôi”, hay “ con người nghĩ thế nào thì nó ra thế ấy thôi” hay “ tất cả chỉ là qui định của con người mà”, hay những luận điểm khác mang ý nghĩa tương tự. Bên cạnh dNhưng luận điểm đấy không sai về nội dung nhưng phiến diện về bản chất, đó là hình thức suy tôn tư duy con người mà không nhìn ra các vấn đề thực tại chung nhất đang tạo nên tính đa dạng của tư duy đó. Mặt khác, chúng ta cũng dễ dàng bắt gặp những trường hợp lại tuyệt đối các vấn đề khách quan như đổ lỗi hoàn cảnh, hay suy tôn các tác động khách quan và xem hình vi con người chỉ là phản xạ của các tác động đó. Những hành vi hay luận điểm như vật xem ra, chính là những biểu hiện của cái mà chúng ta thường dùng bừa bãi “ duy vật” “ duy tâm” vì nó chính xác là mang yếu tố “duy”, yếu tố “ tâm” và yếu tố “ vật”.

 

Còn về triết học, phải chăng nên thay đổi cách sử dụng thuật ngữ để tránh sự nhầm lẫn tai hại đó. Duy tâm đổi thành Tâm thức luận hay tâm tính luận; duy vật đổi thành Khách thể luận hay Hệ hình luận dành cho các nhà triết học duy vật trước Marx vì các ông chỉ suy tính 1 phương diện trong tổng thể phương diện chung trong mối quan hệ của vật chất – ý thức, còn với Marx, đấy là một nhà nhị nguyên tuyệt vời khi không sa vào lối mòn của Dercates mà vẫn đảm bảo được hai yếu tố tâm – vật tác động lẫn nhau với trật tự và qui luật của nhất nguyên và dĩ nhiên vì thế nên dành cho ông một thuật ngữ khác đối với trường phái triết học của mình.

 

Như vậy, cách dùng duy tâm và duy vật trong triết học và đời thường có vẻ giống nhau về bản chất, do tương đồng về tính “duy” thế nhưng khác nhau về mặt bản chất nên thiết nghĩ phải chăng cần 1 sự thay đổi về cách sử dụng thuật ngữ để phân biệt đâu là duy tâm – duy vật theo đời thường, đâu là duy tâm – duy vật trong triết học.

 

Cũng như thế, sự thật rằng, thuyết vô thần chẳng ảnh hưởng hay gọi là có mối liên hệ nào về bản chất với duy vật.

Thuyết vô thần chỉ là 1 nhánh phát triển cực đoan của chủ nghĩa duy vật nói chung. Nếu chủ nghĩa duy vật trước Marx – vốn đi tìm một vật chất cấu tạo nên thế giới và tư duy – dẫn đến 1 thái độ vô thần trước giới tự nhiên là 1 điều dễ hiểu. Nhưng với duy vật biện chứng thì các nhà duy vật biện chứng vẫn còn giữ thái độ vô thần thì vô cùng nực cười và xuẩn ngốc.

 

Vật chất dưới góc độ tiếp cận của duy vật biện chứng, đấy là 1 thế giới khách quan, một thế giới chứa đầy những vấn đề của tư duy, buộc tư duy phát triển. Thế thì, thế giới khách quan này được tạo dựng từ ai và từ vật gì không là vấn đề phải quan tâm, chính vì vậy, bản thân nó không mâu thuẫn với quan điểm hữu thần. Chủ nghĩa duy vật biện chứng chú tâm vào việc xử lí thông tin về thế giới, hay bản thân việc cải tạo thế giới chứ không phải giải thích thế giới. Cho nên bản thân nó không hề mâu thuẫn về tôn giáo về mặt bản thể học. Nó chỉ mâu thuẫn tôn giáo dưới giác độ xã hội, với những chức năng đối với xã hội và phương pháp luận cải tạo thế giới. Chính lẽ đó, nó không phải và không liên quan gì về mặt bản chất với chủ nghĩa vô thần, quan điểm vô thần hay thuyết vô thần.

 

Nói như thế tức là, với một nhà duy vật biện chứng hay duy vật theo cách dùng đời thường thì anh ta không phủ quyết Chúa trời cho đến khi anh ta chứng minh được Chúa trời không tồn tại. Nói thế cũng nghĩa là, nếu với một người, vào một ngày đẹp trời, bỗng dưng một Chúa trời bỗng dưng xuất hiện trước mặt anh ta, và ông ta chứng minh bằng mọi cách về thân phận của mình với sự logic và phép lạ của mình, thì nếu anh ta vẫn phủ quyết trước những bằng chứng rành rành và chính xác như thế thì anh ta là duy tâm, còn nếu anh ta chấp nhận và bắt tay nghiên cứu nó ( có thể có hoặc không, quan trọng nhất là anh ta chấp nhận vấn đề đó và tư duy về nó) thì anh ta là 1 người duy vật. ( Duy vật – duy tâm ở đây dùng theo nghĩa đời thường)

 

Cuộc chiến giữa Marx và Tôn giáo, như đã nói không phải là cuộc chiến về bản thể học hay các vấn đề siêu hình học, mà là cuộc chiến về chức năng xã hội của cả hai. Đấy mới là tính chất của vấn đề đấu tranhn tôn giáo của Marx.

Mặt khác, cần lưu ý rằng, một chủ nghĩa là một trào lưu, một trường phái, và người sáng lập nó hay sử dụng nó chỉ là người đại diện cho chủ nghĩa hay trào lưu đó. Ông ta không phải là người quyết định tất cả nội dung và bản chất của nó. Chính vì vậy, nên phân biệt rõ Chủ nghĩa Marx và Chủ nghĩa duy vật biện chứng, đừng đánh đồng cả hai thành một, vì như đã nói, Marx – Engels –Lenin chỉ là đại diện của một trường phái, chủ nghĩa, trào lưu duy vật biện chứng mà thôi.

  • Vật chất thực sự là gì? Cho đến lúc này, những giáo viên tuy miệng giảng bài rằng đấy là thế giới khách quan, và có sự phân biệt rất khoa học giữa vật chất và vật thể, nhưng trong lối nghĩ, và lối dùng vẫn nhầm lẫn giữa vật chất và vật thể. Vật chất quyết định nên ý thức không phải ở việc muốn suy nghĩ phải có cơm ăn, muốn tư duy phải có não bộ, mà ở ý nghĩa, tư duy của con người là tư duy thế giới khách quan, tư duy về các vấn đề của thời đại mà người đó đang sống. Mọi tư duy nếu không hòa mình vào dòng chảy chung thời đại sẽ bị loại bỏ cho đến chủ đề mà nó hình thành đó trở thành chủ đề chủ đạo của thời điểm lịch sử cụ thể.
  • Cần, và rất cần một công trình nghiên cứu về sự phát triển của thuật ngữ vật chất, hay các phạm trù, thuật ngữ triết học nói chung. Chỉ như thế, và khi chỉ như thế, chúng ta mới biết chính xác chúng ta đang nói gì và nghĩ gì? Ngôn ngữ được sinh ra để con người gần nhau nhưng cũng chính vì nó mà con người xa cách

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Hotline

Zalo

Đăng ký