II. Những đóng góp của Marx – Engels về xã hội học tôn giáo:

Như đã nói, với lối tiếp cận từ phương diện triết học và chính trị của mình mà Marx và Engels đã cho chúng ta thấy những yếu tố tha hóa, thống trị, và đấu tranh trong vấn đề tôn giáo.

Sự tha hóa, tức là những vấn đề biến dạng, quanh co của nó trong việc thiết lập thế giới quan của con người, cái mà Marx gọi là thế giới quan lộn ngược, mà chính con người đã tạo nên. Sự thống trị, tức là những vấn đề về mối quan hệ quyền lực trong mối quan hệ xã hội mà mối quan hệ giai cấp – trực tiếp sinh ra nó là quan hệ sản xuất –  với tôn giáo là trung tâm. Sự đấu tranh, tức là sự đối kháng giai cấp trong sự tiến hóa của xã hội mà tôn giáo là một yếu tố cấu thành. Hay nói cách khác, tôn giáo che mờ sự nhận thức của con người, bảo vệ và hợp thức hóa sự thống trị, và bị thay đổi bởi lịch sử đấu tranh giai cấp.

Từ góc độ tiếp cận này, Marx – Engels cho ta thấy một viễn cảnh tiêu vong của tôn giáo trên cơ sở sự tiến hóa của xã hội. Một viễn cảnh mà tôn giáo sẽ bị xóa mờ bởi chủ nghĩa duy vật biện chứng – một tầm nhìn tiến bộ về tôn giáo lẫn xã hội của con người.

Nhưng phải thấy rằng, Marx – Engels viết những điều trên trong một bối cảnh mà tôn giáo và chính trị dường như gắn chặt vào nhau. Một bối cảnh mà Giáo Hội Luther được nằm trong một nhà nước được định tính là Công Giáo – nước Phổ của Frederick William III và IV, rồi William I – và tham gia tích cực vào việc hợp pháp hóa các quyền lực đã được thiết lập trong nguyên trạng xã hội; không những thế, những lý thuyết về XHCN trước Marx lại chẳng hề tỏ thái độ thù địch nào với tôn giáo – theo Marx là ngăn cản sự phát triển xã hội – thậm chí lại càng tỏ ra thích thú với nó khi hàng loạt lý thuyết về sự dung hòa giữa CNCS và tôn giáo, như “ Phúc âm của một ngư dân nghèo, 1843-1845” của Wilhalm Weitling (1808-1875)

Và để phê phán tôn giáo theo đúng tinh thần chính trị của nó, việc của nhà phê bình là phải đứng trên lập trường của các nhà khoa học xã hội, đó là phải đối chứng sự kiện, ở đây là đối chứng thái độ của tôn giáo – giáo hội và giáo dân – trước những vấn đề xã hội, vấn đề lịch sử – bối cảnh này là vấn đề thợ thuyền; tức là nghiên cứu về lịch sử và kinh nghiệm về hiệu quả xã hội – chính trị của luận thuyết tôn giáo chứ không phải suy diễn từ một định nghĩa  chung chung về tôn giáo và từ một hiệu quả xã hội mà nó không liên quan. Ở đây, Marx đã làm đúng công việc này. Đặc biệt, không những Marx, luận thuyết về “ thuốc phiện của nhân dân”, cũng được trình bày bằng nhiều cách khác nhau như một sự thật không thể chối cãi; tức là ngày khi xã hội công nghiệp ra đời, đi kèm với tình cảnh khốn cùng của thợ thuyền là những thuyết giảng về: “ luật thiêng liêng của sự bất bình đẳng tự nhiên” hay “ lao động là một sự chuộc tội” thậm chí “ thợ thuyền không nên đặt lòng yêu thương của họ không chỉ nơi trần thế”.[1]

Thế nhưng, những hiệu quả nào đó của tôn giáo – hay bất cứ thực thể nào – cũng không hề là bất biến trong mọi hoàn cảnh. Ở đây, phải kết luận rằng tùy vào sự hợp thức hóa của quyền lực mà tôn giáo mới có thể thực thi sự thống trị hay chống đối xã hội của mình. Xét theo nghĩa này thì tôn giáo là “một vectơ cho sự phát triển và giải phóng cho dân chúng bị áp bức”[2]. Nhìn lại lịch sử Kito giáo thuở sơ khai và Islam giáo chúng ta có thể thấy rõ điều này.

Mặt khác, thông qua các nghiên cứu của Emile Paulat [3] chúng ta thấy được rằng Giáo Hội Công Giáo đặc biệt lên án và trực diện chống lại chủ nghĩa tư bản tự do như thông điệp Pie IX hay vào năm 1843, Đức Thầy Affre đã từng lập một bản án của chính ngay chủ nghĩa tư bản công nghiệp, của sự tự do kinh tế  không có sự kiềm chế của pháp lí và đạo đức[4].

Điều đó cho thấy, sự phê phán về chính trị của Marx tỏ ra quá thiên về một phía, nhất là khi kết hợp với triết học về sự tha hóa. Điều này, dễ cho thấy rằng, rõ ràng Giáo Hội đã thực sự có sự chọn lựa khó khăn khi một bên là chủ nghĩa bảo thủ chính trị xã hội, một bên là phong trào cải cách đang lên mà nền tảng của nó là sự đề cao lí trí và sự phê phán lí tính về tôn giáo. Từ đó, có thể thấy rằng, sự phê phán của Marx đã góp phần tăng cường cho chủ nghĩa bảo thủ của tôn giáo và từ đó sự phê phán của Marx cũng được tăng lên với một hạt nhân cho rằng những thành tố của tôn giáo luôn đứng trong địa hạt của sự phản động.

Dẫu với những hạn chế đó, sự đóng góp của Marx vào xã hội học tôn giáo là không thể phủ bác. Thông qua những gì phân tích ở phần 1, ta có thể thấy rõ ba mảng vấn đề của xã hội học tôn giáo mà Marx đã tiếp cận và phân tích nổi bật.

a. Phân tích tôn giáo như một hệ thống ý thức hệ:

Ý thức hệ, bản thân nó là một khái niệm đa nghĩa và phức tạp mà tùy vào từng hoàn cảnh sử dụng và sự ưu tiên theo góc độ tiếp cận mà nó mang nghĩa khác nhau.

Nếu tiếp cận theo quan điểm chính trị thì ý thức hệ được định nghĩa với chức năng hợp pháp hóa quyền lực xã hội và vì thế nó mang một biểu trưng gắn liền với sự thống trị.

Nếu tiếp cận theo quan điểm lịch sử thì ý thức hệ được định nghĩa như hệ thống biểu tượng có chức năng khuyến khích và phủ quyết của hành vi xã hội, tức là sự động viên các năng lực.

Nếu tiếp cận theo quan điểm triết học thì ý thức hệ là hệ thống các biểu tượng biểu hiện dị dạng và sai lệch cái thực tế xã hội.

Ở Marx, khái niệm ý thức hệ xuất hiện khi ông bắt đầu tranh biện với Hegel về chính trị, nơi ông tố cáo Hegel đã lập nên tấm bình phong ý thức hệ của nguyên trạng nước Phổ bấy giờ, tức là chỉ trích Hegel tập hợp những biểu tượng nhằm biện hộ cho một hệ thống cai trị , triết học của Hegel là sự tán dương một nhà nước quý tộc hiện đại, một nhà nước được hợp lý hóa và hợp pháp hóa của Kito Giáo. Marx đã tấn công vào hình ảnh nhà nước Kito giáo này đúng theo cách ông quan sát nhà nước Phổ của ông: “ Trong cái nhà nước Đức – Công giáo, quyền lực của tôn giáo là tôn giáo của quyền lực”[5]

Trong hệ tư tưởng Đức, Marx và Engels đã nhận định rằng ý thức hệ là biểu tượng đảo ngược của cái hiện thực: trong khuôn khổ của các ý tưởng và của ý thức, cơ sở thực của đời sống đã bị che khuất và bị xuyên tạc. Sự phân tích thực tế kiến trúc thượng tầng do đó có nhiệm vụ vén lên bức màn mà chúng đã phủ lên hiện thực, là tìm ra đằng sau cái ngôn ngữ không thích hợp của chúng, sự trong sáng của cái hiện thực mà chúng che tối.

Trong 18 tháng Sương Mù, Marx viết: “ cái truyền thống của tất cả thế hệ đã chết còn đè nặng lên đầu óc của những người đang sống”. Như vậy, ảnh hưởng của yếu tố truyền thống lên ý thức được Marx thừa nhận trong các cuộc đấu tranh chính trị – mà theo ông chẳng qua là đấu tranh giai cấp.

Như vậy, ý thức hệ có một sức ỳ rất lớn. Nó giải thích sự biến đổi chậm chạp của cơ sở kinh tế và bản thân nó cũng tạo nên sự kìm hãm trong sự biến đổi phát triển này. Từ đó hình thành một quan niệm về sự biện chứng của cơ sở hạ tầng và kiến trúc thượng tầng mà sau này Engels đã viết:

Theo quan điểm duy vật về  lịch sử, yếu tố quyết định cuối cùng trong  lịch sử là sự sản xuất và tái sản xuất của đời  sống hiện thực. Cả Marx và tôi, chúng tôi không bao giờ khẳng định điều gì khác hơn. Nếu, sau đó, có kẻ nào bẻ vặn mệnh đề này khiến nó có nghĩa rằng nhân tố kinh tế là cái quyết định duy nhất, thì kẻ  đó đã biến mệnh để ấy thành một câu nói trống rỗng, trừu tượng, vô nghĩa. Hoàn cảnh kinh tế là cơ sở, nhưng những nhân tố khác nhau của kiến trúc thượng tầng ví như cái hình thức chính trị của cuộc đấu tranh giai cấp và các kết quả của chúng, những  hiến chế lập nên bởi giai cấp chiến thắng trong cuộc chiến đấu, v.v…, những hình thức pháp luật và ngay cả những phản ánh của cuộc đấu tranh hiện thực vào trong đầu óc của những người tham gia như các học thuyết chính trị, pháp luật, triết học, những quan điểm tôn giáo và sự phát triển sau đó của chúng thành các hệ thống giáo điều, cũng đều phát huy tác động của chúng đến tiến trình đấu tranh lịch sử, và, trong rất nhiều trường hợp, quyết định một cách ưu thế hình thức của tiến trình lịch sử ấy. Có sự tương tác giữa tất cả các nhân tố ấy, trong đó sự vận động kinh tế cuối cùng sẽ tự vạch cho mình con đường như là một tất yếu thông qua một số vô tận các ngẫu nhiên.[6]

 b. Phân tích tôn giáo như thành tố xã hội vĩ mô:

Một trong những đặc điểm lớn của quan điểm mác xít là sự ưu tiên dành cho sự phân tích xã hội trong khuôn khổ vĩ mô.

Mọi hiện tượng xã hội đặc biệt, như  tôn giáo chẳng hạn, là nằm trong khuôn khổ toàn thể của một sự phân tích dành địa vị số một cho yếu tố  kinh tế và cho vị thế của các cá nhân trong những mối quan hệ sản xuất. Theo sơ đồ này thì xã hội bao gồm một nền tảng, đó là hạ tầng cơ sở được hình thành bởi khu vực sản xuất vật chất, và thượng tầng kiến trúc thể chế và ý thức hệ chỉ đóng một vai trò rất tương đối trong quan hệ với hạ tầng cơ sở. Cái hạ tầng cơ sở này là khâu quyết định, còn các bình diện khác, nghĩa là các thể chế (chính trị, pháp luật, giáo dục, tôn giáo…) và các ý thức hệ (học thuyết, quan niệm, biểu tượng…) đều phụ thuộc vào cái cơ sở này. Trong sự trình bày này, xã hội được coi như một cấu trúc  bao gồm nhiều lớp khác nhau và được đặt trên một nền tảng được cấu thành bởi  cơ sở vật chất. Những cái nằm ở trên cái nền tảng này, những kiến trúc thượng tầng về thể chế và ý thức hệ.

Trong khi vẫn đứng trong khuôn khổ phân tích cái sơ đồ hạ tầng cơ sở – thượng tầng kiến trúc, Marx và Engels nêu lên một vài sự tương đồng giữa chủ nghĩa tư bản và Kitô giáo đặc biệt là dưới hình thức Tin Lành của tôn giáo này. Xã hội tư bản ” tìm thấy trong Kitô giáo, cùng với sự tôn thờ con người trừu tượng và nhất là ở các tiêu thức tư sản như Tin Lành, thần luận, v.v… một sự bổ túc tôn giáo thích hợp nhất”  Người ta nhận thấy rằng khá lâu trước Weber, Marx đã chỉ ra một sự liên hệ nào đó giữa chủ nghĩa tư bản và Tin Lành. được coi như “một tôn giáo tư sản”. Theo ông cái “Kỉ nguyên tư sản chỉ bắt đầu từ thế kỉ XVI”. Cuộc  cải cách Tin Lành và sự tước đoạt các tài sản của các Giáo hội mà nó tiến hành đã đem lại cho nước Anh một sự kích thích mới “cho sự tước đoạt mạnh mẽ tài sản của dân chúng ở thế kỉ XVI”

c. Phân tích tôn giáo trong mối quan hệ giai cấp:

Sự cấu trúc của các hoạt động kinh tế là địa bàn được Marx coi như khuôn mẫu của các quan hệ xã hội. Ông chỉ ra một sự đối kháng cơ bản giữa hai giai cấp được định nghĩa bằng vị thế của chúng trong các quan hệ sản xuất; giai cấp tư sản được định nghĩa bởi sở hữu các phương tiện sản xuất và giai cấp vô sản được định nghĩa bởi sự kiện là họ chỉ còn có sức lao động để bán. Giữa hai giai cấp này Marx và Engels chỉ ra một tiến trình của sự bóc lột: giai cấp vô sản được nhà tư bản sử dụng như một thứ hàng hoá có một đặc tính là sản sinh ra giá trị thặng dư. Lí luận mác xít về sự bóc lột là một lí luận về các cuộc đấu tranh giữa người ăn lương và chủ tư bản để chiếm hữu giá trị.

Ở Marx và Engels, vấn đề các giai cấp xã hội dẫn tới vấn đề về sự thống trị. “Trong tất cả mọi thời đại những tư tưởng của giai cấp thống trị cũng là những tư tưởng thống trị”; các ông đã viết như vậy trong Hệ tư tưởng Đức; Nói cách khác giai cấp nào thống trị trong lĩnh  vực  vật  chất  trong một xã hội nhất định thì cũng là thế lực thống trị trong lĩnh vực ý thức hệ. Giai cấp thống trị thực sự tin tưởng rằng nó đại diện cho các lợi ích của toàn thể xã hội và rằng các ý tưởng luật pháp, triết học, đạo đức, v.v… của nó là biểu thị cho một chân lí vĩnh hằng, tuyệt đối.

Sự quan tâm này đến sự phân chia xã hội thành giai cấp đã khiến Engels lưu ý tới những sự phân hoá xã hội của các biểu thị tôn giáo, đặc biệt là ở Kitô giáo. Ông đặt lên một mô hình phân tích các cuộc đấu tranh tôn giáo được quy là một sự trá hình của các cuộc đấu tranh giai cấp: “Ngay cả trong cái mà người ta gọi là những cuộc chiến tranh tôn giáo ở thế kỉ XVI, thì trước hết, đó là những lợi ích  kinh tế tích cực, cũng giống như các cuộc đụng độ  nội bộ xẩy ra sau đó ở Anh và ở Pháp. Nếu những cuộc đấu tranh giai cấp này, ở vào thời đại đó,mang một tính chất tôn giáo, nếu các lợi ích, các nhu cầu, các yêu sách của các giai cấp khác nhau ẩn giấu đằng sau cái mặt nạ tôn giáo, điều đó không làm thay đổi sự việc và được giải thích cách dễ dàng bằng các điều kiện của thời đại”[7]

Engels đã phần nào bị quyến rũ bởi sự gần gũi mà người ta có thể thấy khi so sánh giữa Kitô giáo nguyên thuỷ với phong trào công nhân.[8] Engels cũng lại sớm đưa ra một sự giải thích duy vật về sự chuyển hoá của  Kitô giáo thành một tôn giáo có tính hoàn vũ: trong khi chủ trương một ý tưởng về một sự hy sinh duy nhất chỉ trong một lần để chuộc tội cho tất cả mọi người trong mọi thời đại, nó đã “xoá bỏ các lễ nghi ngăn trở hoặc cấm đoán sự giao lưu giữa  những con người có những tín ngưỡng khác nhau”. Tuy nhiên, chính từ cái ví dụ của Kitô giáo mà Engels đã dẫn vào năm 1895, khi đứng trước những thất bại và khó khăn của phong trào công nhân, ông đã tìm cách bảo vệ niềm tin của mình vào sự chiến thắng không thể cưỡng lại được của phong trào này khi cho rằng những tín đồ Kitô giáo ở những thế kỉ đầu giống như là “một đảng chống đối nguy hiểm” đang “Phá huỷ tôn giáo và mọi nền tảng của Nhà nước” và trong ít năm sau đã không trở thành tôn giáo của Nhà nước

d. Kết luận:

Chúng ta lĩnh hội được ở sự phân tích mác xít ba phương pháp tiếp cận đối với ngành xã hội học tôn giáo:

Đó là phương pháp xem xét tầm quan trọng các hệ thống cai trị và các sự hợp pháp hoá quyền lực, nó giúp chúng ta khám phá tầm quan trọng của các sự trung gian hoà giải mang tính biểu tượng bằng các hành động xã hội mà chúng hợp pháp hoá hoặc nuôi dưỡng sự chống đối bằng cách lên án nó.

Đó là phương pháp thường xuyên quan tâm tới việc làm sáng tỏ sự tương tác của những yêu cầu khác nhau của xã hội; tức là sự quan tâm tới cái tổng thể, đòi hỏi phải dựng lại mỗi sự kiện xã hội – đặc biệt là tất cả những gì có quan hệ tới thế giới các biểu tượng và các ý tưởng – trong một cái toàn thể bao hàm tất cả mọi tầm vóc của xã hội (kinh tế, chính trị, những sự phân chia xã hội và những sự đối kháng mà chúng sản sinh ra).

Đó là phương pháp xem xét tầm quan trọng của các hoàn cảnh xã hội (các giai cấp xã hội trong ngôn từ mác xít) và các cuộc xung đột phát sinh từ đó.


[1] Jean Bruhat, Chủ nghĩa chống tăng lữ và phong trào công nhân ở Pháp trước 1914, trong Kito giáo và thế giới thợ thuyền, những nghiên cứu cùng cộng tác của Francois Berarida và Jean Maitron, xuất bản phẩm của “ phong trào xã hội” số 1, Paris,  Les Editions ouvrières, 1975, tr. 109.

[2] Vittoria Lanternari, Những phong trào tôn giáo vì tự do và hạnh phúc của dân chúng bị áp bức, bản dịch từ tiếng Ý của Robert Paris (1960), Paris, Maspero, 1979.

[3] Emile Paulat , Giáo hội chống lại tư bản, Paris, Calman. Lévy. 1977.

[4] Paul Droulers, Công Giáo và phong trào công nhân ở Pháp thế kỷ XIX. Thái độ của tòa giám mục. Trong: Kito giáo và thế giới thợ thuyền. Sđd, tr. 41.

[5] C. Mác, Về vấn đề Do Thái, C. Mác và Ph. Ăng-ghen toàn tập, T. 1, tr. 543

[6] Ph. Ăng-ghen, Gửi I-ô-dép Blốc ở Khuê-ních-xbuốc, 21-22 tháng Chín 1890, C. Mác và Ph. Ăng-ghen toàn tập, T.37, tr. 641 – 642

[7] Ph. Ăng-ghen, Chiến tranh nông dân ở Đức, C. Mác và Ph. Ăng-ghen toàn tập, T.7, tr. 475

[8] Tìm đọc “Đóng góp vào lịch sử Kitô giáo nguyên thủy xuất bản năm 1894-1895”

 

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Hotline

Zalo

Đăng ký