I. Quan điểm chung của Marx – Engels về vấn đề tôn giáo:
Như ta đã biết, cách tiếp cận của Marx – Engels về vấn đề tôn giáo đa phần là sự tiếp cận về phương diện triết học và chính trị nhiều hơn là phương diện hiện tượng xã hội học.
Về phương diện triết học, Marx và Engels chủ yếu tiếp nhận tư tưởng phê phán tôn giáo của Ludwig Feuerbach (1804 – 1872) mà trong tác phẩm “ Bản chất đạo Kito”, ông đã mô tả tôn giáo như một sự “tha hóa của con người”, một xạ ảnh bị huyễn hoặc bởi con người, từ một thực thể phàm tục trở thành một thực thể thiêng liêng. Về phần chính trị, tôn giáo lại được xem là một công cụ để giai cấp thống trị hợp pháp hóa quyền lực của mình và ngăn cản cuộc nổi dậy của giai cấp bị trị. Còn về phương diện xã hội học, tôn giáo lại được xếp như một thành tố trong hệ thống thượng tầng kiến trúc xã hội, nơi nó đóng vai trò là một hình thái ý thức xã hội bên cạnh đạo đức, nghệ thuật, khoa học, v.v…..
Tất cả ba phương diện trên cấu thành toàn bộ tư tưởng Marx – Engels về tôn giáo được phân thành các luận điểm sau:
1. Bản chất tôn giáo và nguyên nhân tồn tại của nó:
Theo F. Engels, trong thời kỳ xa xưa, tôn giáo nảy sinh từ quan niệm sơ sài không hiểu biết của con người về bản chất của chính con người và bản chất của giới tự nhiên xung quanh họ. Tôn giáo nảy sinh một cách tự phát và “không có sự lừa dối”.
Tất cả mọi tôn giáo chẳng qua chỉ là sự phản ánh hư ảo – vào trong đầu óc của con người – của những lực lượng ở bên ngoài chi phối cuộc sống hàng ngày của họ; chỉ là sự phản ánh trong đó những lực lượng ở trần thể đã mang hình thức những lực lượng siêu trần thế. Trong những thời kỳ đầu của lịch sử, chính những lực lượng thiên nhiên là những cái trước tiên được phản ánh như thế, và trong quá trình phát triển hơn nữa thì ở những dân tộc khác nhau, những lực lượng thiên nhiên ấy đã được nhân cách hoá một cách hết sức nhiều vẻ và hết sức hỗn tạp[1].
K. Marx và F. Engels chỉ rõ, nguồn gốc của tôn giáo chính là xã hội, là tồn tại xã hội, là cuộc sống của con người bị phản ánh một cách hoang đường, kỳ dị. Trong tôn giáo được phản ánh hoang đường không phải là bản chất con người nói chung, mà là xã hội hiện thực với nội dung xã hội do lịch sử quyết định. Như vậy, theo cách nói của Marx, tôn giáo là một “sản phẩm xã hội”. Nó được quy định và quyết định bởi lịch sử. Và vì cơ sở của quá trình lịch sử là sự phát triển của các điều kiện vật chất của đời sống xã hội, nên nguồn gốc phát sinh các biểu tượng tôn giáo cũng ở ngay trong điều kiện sinh sống của con người.
Tất cả các tôn giáo đều là những tôn giáo tự phát của bộ lạc, nhưng về sau, là tôn giáo của dân tộc, tôn giáo này đã lớn lên từ trong những điều kiện chính trị và xã hội của mỗi dân tộc và cùng phát triển với các dân tộc ấy. Một khi các cơ sở của các tôn giáo ấy bị phá vỡ, những hình thái xã hội kế thừa cái thiết chế chính trị và nền độc lập dân tộc bị phá vỡ thì tất nhiên là tôn giáo tương ứng chúng bị sụp đổ theo.[2]
K. Marx và F. Engels, đã khẳng định rằng, các quan niệm và tín ngưỡng tôn giáo được sinh ra do sự bất lực và hèn yếu của con người. Sự áp bức của các lực lượng thiên nhiên và xã hội làm nảy sinh trong con người cảm giác bất lực và hèn yếu. Những cảm giác này, đến lượt chúng, lại áp bức ý thức con người, làm con người mất khả năng phê phán bằng tư duy, mất tỉnh táo và không dám tìm hiểu những hiện tượng để phân tích chúng dưới ánh sáng của thực tiễn và lý trí.[3]
Trong tôn giáo, người ta biến thế giới kinh nghiệm của mình thành một cái gì đó chỉ có trong tư tưởng, trong tưởng tượng đối lập với họ như một cái gì đó xa lạ. Để giải thích điều đó, không thể lại dùng những khái niệm khác, không thể lại dùng “tự ý thức”, hoặc những cái nhảm nhí tương tự như thế được, mà phải xuất phát từ toàn bộ phương thức sản xuất và giao tiếp hiện đang tồn tại, phương thức sản xuất và giao tiếp này không phụ thuộc vào khái niệm tuần túy, cũng như việc phát minh ra máy dệt tự động và việc sử dụng đường sắt không phụ thuộc vào triết học Hegel.[4]
Mặt khác, , K. Marx và F. Engels nhận xét rằng, giáo hội trong lịch sử là một bộ phận của giai cấp bóc lột, luôn luôn tìm cách củng cố sự thống trị của giai cấp này và của giới tu sĩ bằng việc giải thích và bênh vực cho chế độ đó. Và ngày nay ( thời đại của Marx), những yếu tố đó vẫn còn được duy trì, dẫn đến sự tồn tại dai dẳng của tôn giáo.
Thời trung cổ đã phát triển trên một cơ sở hoàn toàn thô sơ … Kết quả là, cũng giống như ở tất cả những giai đoạn phát triển lúc ban đầu, bọn giáo sĩ chiếm độc quyền trí dục và bản thân nên giáo dục cũng mang một tính chất chủ yếu là thần học… Và sự thống trị tối cao ấy của thần học trong tất cả các lĩnh vực hoạt động tinh thần đồng thời cũng là hậu quả tất yếu của các vị trí mà giáo hội đã chiếm với tính cách là sự tổng hợp chung nhất và sự phê chuẩn chung nhất của chế độ phong kiến hiện tồn.[5]
2. Vấn đề đấu tranh với tôn giáo:
Chính vì những yếu tố phản động đó của tôn giáo, với Marx và Engels, cuộc chiến với tôn giáo, việc xóa bỏ tôn giáo là tối cần thiết trong bước đường tiến lên chủ nghĩa cộng sản.
Xóa bỏ tôn giáo, với tính cách xóa bỏ hạnh phúc ảo tưởng của nhân dân, là yêu cầu thực hiện hạnh phúc thực sự của nhân dân. Yêu cầu từ bỏ những ảo tưởng về tình cảnh của mình cũng là yêu cầu từ bỏ cái tình cảm đang cần có ảo tưởng. Do đó, việc phê phán tôn giáo là hình thức manh nha của sự phê phán cuộc sống khổ ải mà tôn giáo là vòng hào quang thần thánh của nó.[6]
Thế nhưng cuộc chiến này không phải diễn ra trực tiếp, đối đầu với tôn giáo; sự xóa bỏ này không phải xóa bỏ ngay các hình thái tôn giáo cùng biểu hiện của nó, mà phải xóa bỏ các căn nguyên sinh ra tôn giáo, đó là sự bất công và tha hóa của xã hội, sự nghèo nàn về nhận thức và tri thức, sự yếu đuối về tâm hồn và lương tri của con người.
Do đó, nhiệm vụ của lịch sử – sau khi cái chân lý của thế giới bên kia đã mất đi – là xác lập chân lý của thế giới bên này. Sau khi cái hình tượng thần thánh của sự tự tha hóa của con người đã bị bóc trần thì nhiệm vụ cấp thiết của cái triết học đang phục vụ lịch sử là bóc trần sự tự tha hóa trong những hình tượng của nó. Như vậy, phê phán thượng giới biến thành phê phán cõi trần, phê phán tôn giáo biến thành phê phán pháp quyền, phê phán thần học biến thành phê phán chính trị.[7]
Mỗi người phải được thoả mãn những nhu cầu tự nhiên của mình về tôn giáo và về thể xác mà cảnh sát không được chõ mũi vào. Nhưng ở đây, Đảng công nhân phải lợi dụng cơ hội này để nói rõ sự tin tưởng chắc chắn của mình rằng “quyền tự do tín ngưỡng” tư sản chẳng phải cái gì khác hơn là sự dung thứ đủ các loại tự do tín ngưỡng tôn giáo, còn đảng thì ngược lại, ra sức giải thoát lương tri của con người khỏi bóng ma tôn giáo.[8]
Không thể nào thủ tiêu được một tôn giáo như Thiên Chúa Giáo chỉ bằng cách chế giễu và sỉ vả. Nó cũng phải được đánh bại về mặt khoa học, tức là được làm rõ về mặt lịch sử, nhiệm vụ đó thì ngay cả khoa học tự nhiên cũng không thể đảm đương nổi. [9]
Và khi nào hành động đó được thực hiện, khi nào thông qua việc nắm toàn bộ các tư liệu sản xuất mà sử dụng được những tư liệu ấy một cách có kế hoạch – xã hội tự giải phóng mình và giải phóng tất cả mọi thành viên trong xã hội khỏi tình trạng bị nô dịch, trong đó hiện nay họ đang bị giam cầm bởi những tư liệu sản xuất do chính tay họ đã làm ra nhưng lại đối lập với họ như một sức mạnh xa lạ không sao khắc phục nổi; do đó khi nào con người không chỉ mưu sự, mà lại còn làm cho thành công nữa, – thì chỉ khi đó, cái sức mạnh xa lạ cuối cùng hiện nay vẫn còn đang phản ánh vào tôn giáo mới sẽ mất và cùng với nó bản thân sự phản ánh có tính chất tôn giáo cũng sẽ mất đi, vì khi đó sẽ không có gì để phản ánh nữa.[10]
[1] Ph. Engels, Chống Đuy-rinh, Các Mác và Ph. Ăng-ghen toàn tập, T.20, tr. 437
[2] Ph. Engels, Bru-nô Bau-ơ và đạo Cơ Đốc thủy khởi, C. Mác và Ph. Ăng-ghen toàn tập, T.19, tr.444
[3] Xem thêm “ Góp phần phê phán triết học pháp quyền Hegel, C. Mác và Ph. Ăng-ghen toàn tập, T.1, tr. 569-571”
[4] C.Mác và Ph. Ăng-ghen, Hệ tư tưởng Đức, C. Mác và Ph. Ăng-ghen toàn tập, T.3, tr. 214-215
[5] Ph. Ăng-ghen, Chiến tranh nông dân ở Đức, C. Mác và Ph. Ăng-ghen toàn tập, T.7, tr. 475 – 476
[6] C. Mác, Góp phần phê phán triết học pháp quyền Hegel, C. Mác và Ph. Ăng-ghen toàn tập, T.1, tr. 569-571
[7] Sđd
[8] C. Mác, Phê phán cương lĩnh Gô-ta, C. Mác và Ph. Ăng-ghen toàn tập, T.19, tr. 51
[9] Ph. Ăng-ghen, Trích bản thảo thứ hai “ Bút ký về nước Đức”, C. Mác và Ph. Ăng-ghen toàn tập, T.18, tr. 806.
[10] Ph. Ăng-ghen, Chống Đuy-rinh, C. Mác và Ph. Ăng-ghen toàn tập, T.20, tr. 438-439.