II. Các hình thức ngụy biện
1.1. Sự ngụy biện từ yếu tố bên ngoài:
1.1.1. Lợi dung sự đồng tình của đám đông:
Kiểu ngụy biện này sử dụng sự ủng hộ của đám đông làm chân lý cho cuộc tranh luận. Ví dụ: A cho rằng uống cà phê sẽ giúp cho việc sáng tạo, B thì không. A chứng minh bằng việc nhiều người đã đồng ý rằng ( kể cả nhà sản xuất cũng đồng ý rằng) cà phê giúp cho việc sáng tạo nên điều này đúng. Đây là sự ngụy biện vì thay vì chứng minh bằng cách chỉ ra các yếu tố khoa học rằng các chất trong cà phê giúp cho não thăng hoa sáng tạo thì A đã dùng đám đông làm luận cứ để chứng minh cho điều mình nói.
1.1.2. Lợi dụng cảm tính đám đông:
Tương tự sự lợi dụng về sự đồng tình của đám đông, phương pháp ngụy biện này sử dùng lòng trắc ẩn hay cảm tính của con người để đánh tráo tính logic của chân lý. Sở dĩ xếp nó vào nhóm đám đông vì lòng trắc ẩn hay sự cảm tính mang tính cộng hưởng từ dân tộc tức từ số đông là nhiều. Ví dụ: A phạm tội giết người. B là luật sư của A, thay vì chứng minh A không thể giết người thì B lại dùng lí lẽ: “ A mắc bệnh tim bẩm sinh, nếu tòa tuyên phạt A có tội, A sẽ dễ xúc động và rất nguy hiểm. Xin tòa đừng để một người nào chết thêm nữa”
1.1.3. Lợi dụng quyền lực:
Loại ngụy biện này dựa trên một quyền lực nhất định tác động lên buổi đối thoại. Nó có thể đến từ một nhóm người ( số đông) có thể đến từ một người ( nhưng một người này là đại diện cho một nhóm người nắm giữ quyền lực).
Ví dụ: Khi lớp học đang tranh luận về vấn đề bài học, một sinh viên nói rằng: “ Những gì các bạn đang bàn đi ngược lại chính sách của nhà nước, điều đó là sai trái, các bạn có thể bị tù đấy.” Trong ví dụ này, người sinh viên đã lợi dụng quyền lực nhà nước tác động đến mục đích đúng sai khoa học của buổi tranh luận.
Cũng trong nghĩa quyền lực này, ta có khái niệm nhỏ về tính quyền lực của truyền thống ( hiểu rộng thì truyền thống là thói quen). Ví dụ: Công ty rượu Hà Nội quảng cáo: Chúng ta khi uống rượu hãy uống rượu Hà Nội vì rượu của chúng tôi sản xuất theo công nghệ truyền thống. Người Việt thì phải lưu giữ truyền thống Việt, vì vậy hãy uống rượu của chúng tôi để gìn giữ truyền thống Việt.
1.2. Sự ngụy biện từ yếu tố bên trong:
1.2.1. Yếu tố chủ thể của tranh luận:
1.2.1.1. Sự ngụy biện bằng việc công kích cá nhân:
Lối ngụy biện này sử dụng việc chỉ trích tư cách cá nhân người tranh biện thay vì chỉ trích các luận điểm hay luận cứ hay phương pháp luận chứng của người tranh biện. Ngụy biện này thường được sử dụng và cũng có nhiều nhầm lẫn trong tranh luận hằng ngày.
Ví dụ: A và B đang tranh luận triết học. A là sinh viên triết học còn B thì không. A nói rằng: “ Vì anh không học triết học nên những gì anh nói không có giá trị.” Trong trường hợp này, A đã ngụy biện vì chuyện học triết không ảnh hưởng đến giá trị chân lý của tranh cãi triết học. Vì tính đặc thù của triết học chủ yếu là sự quan sát và chiêm nghiệm chứ không phải được đào tạo bài bản hay không.
Nhưng sư dễ nhầm lẫn trong việc ngụy biện bằng việc công kích cá nhân rất dễ diễn ra. Ví dụ: A và B đang bàn về vấn đề kinh tế vĩ mô. A là sinh viên kinh tế, B là sinh viên nông nghiệp. A nói: “ B không học về kinh tế thì không có kiến thức kinh tế để bàn luận đúng sai.”, thì trường hợp này không là ngụy biện, vì tính đặc thù của kinh tế là phải học mới biết được cụ thể kiến thức của mình đúng hay sai, phù hợp hay không phù hợp.
Trong kho tàng văn học dân gian Việt, cũng đã có thành ngữ: “ Danh chính ngôn thuận” cũng nhằm vào lí giải vấn đề trên. Nói tổng quát lại, chỉ trích cá nhân là ngụy biện khi tư cách cá nhân lúc bị chỉ trích ấy không dính tới giá trị chân lý của luận điểm của người bị chỉ trích.
1.2.1.2. Sự ngụy biện dựa trên uy tín cá nhân:
Lối ngụy biện này là biểu hiện tả khuynh của việc “ danh chính ngôn thuận”, phép ngụy biện này có nghĩa là khi tham gia biện luận, người biện luận dùng vị thế cá nhân của mình để đảm bảo tính chân lí của luận điểm chứ không phải tính logic của luận điểm.
Ví dụ: A và B tham gia tranh cãi về một vấn đề. A là Tiến Sĩ, B là nghiên cứu sinh. Thay vì trong lí luận để chứng minh mình đúng thì A lại dùng học vị của mình để nói lí luận mình đúng so với B. Giữa vấn đề học vị và vấn đề chân lí của luận điểm không có điểm gắn kết logic nên A đang dùng uy tín cá nhân của bản thân để ngụy biện.
1.2.1.3. Sự ngụy biện dựa trên tác phong chủ thể:
Loại ngụy biện này dùng tác phong hay cách làm việc hay một đặc tính nào đó của đối tượng để cố thuyết phục về tính hợp lí của phát biểu. Tiêu biểu cho loại ngụy biện này là những phát biểu như “Nixon thất cử vì ông ta thường hay ra mồ hôi trên trán,” hay “Tại sao anh không nghe theo lời khuyên của anh chàng ăn mặc bảnh bao đó?” Thực ra, “bảnh bao” và “mồ hôi trên trán” chẳng có dính dáng gì đến vấn đề đang bàn thảo.
1.2.1.4. Sự ngụy biện “anh cũng vậy”.
Đây là một trong những ngụy biện rất phổ biến. Nó dựa vào lí lẽ rằng một hành động có thể chấp nhận được bởi vì người đối nghịch đã làm. Chẳng hạn như “Anh là một người lừa dối.” “Rồi sao? Anh cũng là một tay lừa dối vậy.”
1.2.1.5. Sự ngụy biện khả năng chủ thể:
Sự ngụy biện này khá phức tạp về hình thức, nó được sử dụng trong việc người bị phê phán bảo vệ cho khả năng của mình. Chẳng hạn như, A chỉ trích B làm việc kém hiệu quả, B phản ứng bằng việc: “ Anh có làm được như tôi mà chỉ trích tôi.”
Về phương diện thực tiễn, đúng là A không trong hoàn cảnh và vị trí của B cũng chẳng có khả năng giống B thì không thể lường hết những khó khăn mà B gặp phải nên phê phán là việc phiến diện, thiếu logic.
Thế nhưng về khía cạnh logic, việc làm hay không làm và sự nhận thức vấn đề không nhiều cơ sở để thiết lập mối quan hệ với nhau, nên có thể xem đây là 1 loại ngụy biện để bảo vệ cá nhân.
Nếu muốn bảo vệ cá nhân dưới góc độ logic thì B phải chứng minh cho A thấy kết quả B đạt được là tối ưu hay chí ít cũng hết khả năng B chứ không phải chỉ trích ngược lại A rằng A không thể làm hơn nên không có quyền chỉ trích.
1.2.2. Ngụy biện yếu tố khách thể trong tranh luận:
Luận cứ là một phần không thể thiếu trong quá trình luận chứng luận điểm, nó đảm bảo tính chính xác của luận điểm, tính khoa học của luận điểm. Nói cách khác là đó là những chứng cứ minh chứng cho luận điểm, luận đề cần luận chứng.
Thế nhưng trong văn phong thông thường rất khó tách rời giữa luận cứ, luận điểm và luận chứng. Vì luận chứng quá trình chứng minh, luận điểm là nội dung chứng minh còn luận cứ là những bằng chứng minh nhằm chứng minh luận điểm. Diễn giải ra tức là, luận điểm là nội dung cần chứng minh, luận cứ là tiền đề xây dựng nội dung ấy vì nó mang tính xác thực cho nội ấy, còn luận chứng xuất hiện với vai trò là phương pháp xây dựng tiền đề ấy.
Chính vì sự gắn kết khó tách rời ấy nên tác giả sẽ trình bày nội dung ngụy biện của ba yêu tố trong một đề mục để không tách rời chúng và cho thấy mối liên hệ với nhau giữa chúng.
1.2.2.1. Ngụy biện nặc danh luận cứ:
Trong luận cứ cũng cần một sự vững vàng về độ chân lý, tức là bản thân luận cứ cũng cần chứng minh là đúng. Điều này dẫn đến dẫn cứ một luận cứ là phải đi kèm với điều xác thực cho luận cứ ấy. Một trong những điều xác thực ấy là người làm chứng. Thế nhưng trong một số trường hợp, vì các lí do bảo mật hay các lí do khác, mà danh tính người đảm bảo điều xác thực này cần giữ bì mật. Điều này một mặt giữ bí mật cho người làm chứng, một mặt làm nảy sinh một vấn đề ngụy biện là lạm dụng và sử dụng sai mục đích.
Ví dụ: A luận tội B một lí do nào đó đã dẫn chứng: “ Một người đã nói anh có tội, họ đã làm chứng vì nhưng vì lí do bảo mật chúng tôi không thể tiết lộ danh tính”
1.2.2.2. Ngụy biện lạm dụng thống kê:
Thống kê là một phương pháp được sử dụng nhiều trong việc làm luận cứ vì tính khoa học cũng như xác suất chính xác cao của nó. Thế nhưng, trong quá trình sử dụng, việc lạm dụng nó sẽ dẫn đến sự ngụy biện. Một hướng lạm dụng nó là việc ngụy tạo con số thống kê, một hướng lạm dụng dẫn đến qui kết chân lí thuộc về số đông. Chính vì vậy, nó bị xếp vào dạng ngụy biện vì sự sử dụng đến mức lạm dụng nó.
Thống kê dưới góc độ chân lí đánh giá trình độ nhận thức chân lí chứ không phải giá trị chân lí và bản thân nó cũng chỉ có giá trị tham khảo. Vì thế đánh giá cao hay lạm dụng nó sẽ dễ dẫn đến sa vào sự ngụy biện.
1.2.2.3. Ngụy biện lạm dụng luận cứ thiên nhiên:
Kiểu ngụy biện này dùng qui luận thiên nhiên làm luận cứ cho quan điểm của bản thân. Ví dụ A giải thích về sự cần thiết của sự bất công trong xã hội như sau: “ Trong tự nhiên, sự vật luôn luôn tuân theo qui luật mạnh được yếu thua, cá lớn nuốt cá bé. Kẻ bất tài thì phải bị trị bởi người có tài. Cho nên một xã hội cần phải có những người giỏi cai trị những kẻ ngu dốt thì xã hội mới trật tự”.
Ngụy biện kiểu này là đồng nhất giới tự nhiên và xã hội, đồng nhất qui luật tự nhiên và qui luật xã hội trong khi xã hội và tự nhiên là hai hệ thống khác nhau, khác về cấu trúc lẫn cơ chế vận hành. Vì thế, không thể đánh đồng chúng như nhau. Dẫu rằng xã hội vẫn là một phần của tự nhiên nhưng việc lạm dụng qui luật thiên nhiên làm luận cứ, cũng tức là đánh mất sự vận động và sự độc lập tương đối giữa xã hội và giới tự nhiên.
1.2.2.4. Lạm dụng điển tích làm luận cứ:
Dẫn chứng điển tích là thói quen trong tranh luận của người phương Đông nói chung, và người Việt nói riêng. Trong ngôn ngữ khoa học thì việc dẫn chứng điển tích là phương pháp logic lịch sử, đây là công cụ đắc lực để lí luận vì lịch sử đóng vai trò tiền đề cho hiện tại. Thế nhưng việc lạm dụng nó sẽ khiến luận cứ trở thành ngụy biện. Vì tính lịch sử cụ thể bao trùm lại yếu tố lịch sử này. Nói cách khác, không phải mọi yếu tố lịch sử nào có thể lặp lại tại hiện thực, cũng như không phải giá trị lịch sử nào có thể áp dụng cho hiện thực.
Điều này yêu cầu trong việc luận chứng khi sử dụng điển tích cần xem xét kĩ lưỡng để tránh rơi vào ngụy biện. Điều này vô cùng không đơn giản.
1.2.2.5. Ngụy biện dùng luận cứ chưa được chứng minh:
Cuối cùng trong nhóm ngụy biện luận cứ là hình thức ngụy biện khá phức tạp và nhiều cách áp dụng nhất.
Cách đơn giản nhất trong sự ngụy biện này là viện dẫn một luận cứ chưa chắc chắn về tính chân lý, tức là đánh tráo một giả thuyết khoa học thành một kết luận khoa học để làm luận cứ. Ví dụ: “ Vũ trụ rất mênh mông và chưa được khám phá, nên chắc chắn ngoài vũ trụ kia có sự sống ngoài con người.” Ở đây, người lí luận đã ngụy biện vì vũ trụ đã mênh mông và chưa được khám phá nên không có việc “chắc chắn” có sự sống, đáng lí ra để lập luận khoa học, người lí luận phải thay từ chắc chắn thành một từ khác như “ có thể”, “ giả thuyết cần xem xét”, tức là việc khẳng định một sự việc từ một tiền đề chưa xác thực là một sai lầm trong logic.
Một hệ quả từ hình thức trên – từ tiền đề không chắc chắn dẫn đến chắc chắn kết luận là sai lầm – là việc từ tiền đề không chắc chắn đến phủ nhận kết luận cũng là một sai lầm không kém. Như vậy, việc từ một tiền đề không chắc chắn, chúng ta không thể đưa ra một kết luận dù sai hay đúng mà vẫn chỉ đưa ra một giả thiết và phải khẳng định nó là một giải thiết chứ không phải là chân lí đã chứng minh.
Một hình thức phức tạp hơn của phương pháp này là sự kết hợp của nó vào niềm tin. Nó xuất phát từ việc không thể kiểm định luận cứ, niềm tin và nỗi sợ của con người. Ví dụ: Truyền thuyết thời Trung cổ kể rằng, vào ngày thứ Sáu tốt (Good Friday) của mỗi năm, khi giáo đoàn cúi đầu để cầu nguyện, người ta nói rằng bức tượng trên bàn thờ của nhà thờ sẽ quì xuống và rơi lệ. Nhưng nếu thậm chí một người nào đó từ những người cầu nguyện nhìn lên để nhìn những giọt nước mắt thì điều kỳ diệu sẽ không xảy ra nữa. Bức tượng chỉ khóc khi tất cả các thành viên giáo đoàn thể hiện một niềm tin tuyệt đối. Như vậy nếu mọi người đều cuối đầu cầu nguyện, thì không ai sẽ thấy bức tượng khóc. Nếu có 1 người ngó lên xem bức tượng, thì không phải mọi người đều cầu nguyện, và vì thế bức tượng sẽ không khóc. Như thế không thể chứng minh được bức tượng có quì và khóc hay không mà chỉ dùng niềm tin để khẳng định nó là thật.
1.2.2.6. Ngụy biện cá trích:
Loại ngụy biện này được dùng với hình ảnh xương cá trích ( sự đâm tua tủa không trật tự của xương cá trích) nhằm nói lên phương pháp ngụy biện bằng cách làm rối luận điểm bởi việc đưa nhiều luận điểm không liên quan đến luận điểm đang cần làm rõ ở luận đề.
Phương pháp này được sử dụng khá nhiều trong tranh luận của người Việt ( lí do sẽ giải trình sau) và kết quả là kéo dài cuộc tranh luận và luận đề tranh luận bị biến dạng khỏi luận đề ban đầu. Kết quả cuối cùng thu nhận được là không ra kết quả của luận đề ban đầu, nên đây là một phép ngụy biện nguy hiểm.
Ví dụ: Luận đề đưa ra là “ Việc sống thử trước hôn nhân có để lại hậu quả cho xã hội không?” A bảo rằng nếu có biện pháp tránh thai hiệu quả thì chẳng để lại hậu quả gì cho xã hội, mặt khác làm cho người tham sống thử nhận thức được đâu là nhu cầu thực sự của mình cho một gia đình tương lai. B phản biện cho rằng: “ Đó là vi phạm đạo đức truyền thống, và không phải ai cũng biết biện pháp tránh thai hiệu quả”.
Ở ví dụ trên, B đã ngụy biện cá trích bằng việc đưa “ đạo đức truyền thống” vào trong khi đang bàn về “ có để lại hậu quả hay không”, còn việc “không phải ai cũng biết tránh thai hiệu quả” chẳng qua là lời lập lại của A đã nói trong khi đang ở vai trò phản biện A. Nếu dùng luận điểm bổ sung thì B cần phải nói “ Nhưng không phải ai cũng biết được tránh thai an toàn và nhận thức đúng, cho nên cần phải đưa giáo dục can thiệp vào vấn đề này”, thì đó mới hợp logic. Còn việc đưa ra “không phải ai cũng biết tránh thai hiệu quả” không phải là luận điểm bác bỏ.
1.2.2.7. Ngụy biện chẻ đôi giá trị:
Lối ngụy biện này sử dụng việc chẻ đôi giá trị như: “ đúng – sai”, “ có – không có”, “bạn hay thù” để làm kết luận cho tiền đề và che đi những giá trị khác có trong luận điểm.
Ví dụ: A bảo B “ Anh nói anh không tin vào chúa vậy anh là kẻ phản chúa”. Trong ví dụ này, A đã qui kết B vào hai giá trị “ có Chúa” và “ phản Chúa” trong khi tồn tại nhiều giá trị khác xung quanh hai giá trị này.
1.2.2.8. Ngụy biện do dùng phép tương tự sai:
Loại sai lầm này bắt nguồn từ luận điểm: “ Có A thì có B, nên có B thì phải có A”. Điều này hoàn toàn vi phạm logic, đặc biệt là logic hình thức. Trong logic hình thức, mệnh đề “ A kéo theo B” tương đương với “ không B kéo theo không A” chứ không có “ có B kéo theo A”.
Trong thực tế, ngụy biện hướng này cũng rất thường được sử dụng.do sai lầm logic trong suy luận. Ví dụ: “ Các nước có IQ cao đều xây có đường sắt cao tốc, nên nước nào có đường sắt cao tốc thì nước đó IQ cao. Nước ta cũng phải xây đường sắt cao tốc để có IQ cao”.
Cũng trong nhóm ngụy biện này, chúng ta có dạng kết luận “ Có A có B, không có A thì không có B”. Điều này hoàn toàn sai vì B có thể được sinh ra từ nhiều vấn đề, việc không có A mà không có B thì không có cơ sở để kết luận trừ khi “ Có B khi và chỉ khi có A” thì phủ định như vậy là chính xác. Ví dụ: “ Tôi quét nhà thì nhà sách, tôi không quét nhà thì nhà không sạch.” Điều này chỉ đúng khi nhà chỉ có mình tôi quét, trong khi còn rất nhiều điều kiện có thể diễn ra song song với điều kiện đó, loại ngụy biện này thường đi kèm với loại ngụy biện lược bỏ mệnh đề.
1.2.2.9. Ngụy biện lợi dụng tính phong phú từ ngữ Việt:
Từ ngữ Việt vốn phong phú về nghĩa cũng như từ đồng âm. Loại ngụy biện này là lợi dụng những yếu tố đấy trong ngôn ngữ Việt.
Hình thức ngụy biện này rất dễ nhận ra, nhưng lại khó bác bỏ vì cách hiểu khái niệm từ phần lớn chưa được thống nhất khi bắt đầu tranh luận hay trình bày luận điểm.
Ví dụ: Một cô gái lần đầu tiên đi tắm hồ bơi. Ông chủ hồ bơi hỏi cô ta: – Cô muốn mướn đồ tắm hả? – Dạ – Cô muốn mướn đồ hai mảnh hay một mảnh? Cô ta mắc cở nói: – Ơ, mặt đồ hai mảnh kì chết, tôi mướn đồ một mảnh thôi. Ông chủ ranh mãnh hỏi: – Cô muốn mảnh trên hay mảnh dưới? Cô gái đỏ mặt chẳng biết trả lời sao.
1.2.2.10. Ngụy biện sử dụng mệnh đề rời rạc:
Loại ngụy biện này sử dụng phương pháp sử dụng các mệnh đề không liên quan đến nhau để làm luận điểm phát biểu. Vì tính không rời rạc nên nó vừa phi logic vừa khiến người phản biện không có cơ sở phản biện thành ra mặc nhiên sự phi logic này đúng theo lối giả tạo.
Lối ngụy biện mệnh đề rời rạc này có dạng biểu hiện bằng những sự liên kết phi logic giữa các mệnh đề. Ví dụ: “Người Ai Cập đã từng làm nhiều khai quật để xây dựng những kim tự tháp, họ chắc chắn phải rất thạo về cổ sinh vật học”.
1.2.2.11. Ngụy biện nguyên nhân sai ( post hoc)
Lối ngụy biện này phát triển từ loại ngụy biện mệnh đề rời rạc. Chính vì sự rời rạc của mệnh đề mà khi thiết lập mối liên hệ giữa các mệnh đề ấy thành nguyên nhân – kết quả sẽ dẫn đến ngụy biện nguyên nhân sai.
Biến thể của “post hoc” này tồn tại nhiều dạng như: ảnh hưởng liên đới, nguyên nhân phức tạp, Nguyên nhân sai (Non causa pro causa). Ví dụ: “ Khi tôi tham gia 1 cuộc đua, mẹ tôi đưa tôi sợi dây chuyền may mắn và tôi đã chiến thắng. Chính sợi dây chuyền đã giúp tôi chiến thắng”
1.2.2.12. Ngụy biện dựa vào cái mới:
Thông thường, một cái mới được sinh ra nhằm khắc phục các nhược điểm của cái cũ. Vì thế, cái mới được xem là tiến bộ hơn cái cũ. Chính vì điều này, người ngụy biện tận dụng nó để làm tuyệt đối hóa vai trò cái mới, làm mất đi vai trò của logic trong lập luận. Vì về tính tiến bộ không nằm ở cái danh mới và cũ mà nằm ở việc bản thể cái mới có tiến bộ hơn cái cũ hay không.
Ví dụ: “ Windown ME phải tốt hơn Windows 98 vì Windows ME ra đời sau Windows 98”. Kết luận này là sai vì muốn chứng minh tốt hơn người lí luận phải đưa ra các bằng chứng minh Windows ME khắc phục được những nhược điểm Windows 98 chứ không phải vì ra đời sau mà nó tốt hơn.
1.2.2.13. Ngụy biện bằng luận điệu ngược ngạo:
Ngụy biện này dựa trên lối ứng xử thường nhật mang tính phi logic của con người. Các hình thức cụ thể của nó như: “ Kẻ nói lớn tiếng là người thắng”, “ Nói cướp lời người khác không cho người khác nói là thắng”, hay “ giao việc chứng minh cho người khác”. Tức là trong quá trình luận chứng, người lí luận dùng những yếu tố phi logic để đàn áp người phản biện.
Ví dụ: A bảo “ Sau sự sống là một thế giới của linh hồn”, B bảo: “ Không có thế giới linh hồn”. A bảo B hãy chứng minh đi. Ở đây đáng lẽ ra A phải chứng minh luận điểm của mình nhưng lại không thực hiện mà bắt B chứng minh. Trong trường hợp B bảo A phải chứng minh thì từ một cuộc tranh luận khoa học biến thành một cuộc cãi nhau mà trong đấy việc ép người khác phải chứng minh điều mình nói là trọng tâm buổi tranh luận.
Hay trong những cuộc tranh luận, một người chỉ cần lớn tiếng và át lời người khác, không cho người khác nói nghiễm nhiên được công nhận là người thắng. Đấy là được xem là lối ngụy biện ngược ngạo cả về logic và cả về lối sống. Và trong đời sống hằng ngày, lối ngụy biện này thường được sử dụng rộng rãi và phổ biến.
1.2.2.14. Lí lẽ quanh co:
Một dạng biến tướng khác của việc ngược ngạo nhưng ít mang tính bạo lực hơn là việc diễn giải dài dòng không đi vào vấn đề chính của cuộc tranh luận, nhằm đưa người phản biện đi vào mê cung của chữ nghĩa và luận điểm.
Một dạng biến tướng khác của lí lẽ quanh co này là việc cứ lặp đi lặp lại một vấn đề nhằm ám thị cho người nghe nhầm tưởng điều đang nói là 1 chân lí, mặt khác viện dẫn những luận cứ mà người nghe không có điều kiện tra cứu độ xác thực khiến họ tin tưởng vào những điều đang nói cũng là dạng quanh co trong lập luận này.
Loại ngụy biện này dễ thấy ở các buổi hội thảo nơi mà những người hội thảo luôn muốn hướng thính giả vào mục đích mình đang muốn nhấn mạnh. Loại ngụy biện này thường đi kém với loại ngụy biện dựa vào uy tín cá nhân để tăng độ thuyết phục của luận điểm.
1.2.2.15. Ngụy biện do qui nạp sai:
Loại ngụy biện này được vi phạm đa phần là do vô ý của người sử dụng, bởi lỗ hổng của phép quy nạp thông thường. Lỗ hổng này được phát hiện đầu tiên có lẽ bởi David Hume về trường hợp “ Black Swarn” của ông. Nhưng dù có là phát hiện của ai thì qui nạp truyền thống sử dụng kinh nghiệm trực quan làm tiền đề nhưng kinh nghiệm trực quan này lại không đảm bảo tính chính xác nên kết luận bao giờ cũng bấp bênh trong cán cân chân lý.
Loại ngụy biện này thường được dùng với tên gọi “ khái quát hóa vội vã, khái quát hóa không đúng chỗ,…” nhưng tác giả thống nhất xếp chung những loại ấy vào dạng qui nạp sai để có tính khái quát cao nhất về loại ngụy biện này.
1.2.2.16. Ngụy biện do ám thị:
Ngụy biện ám thị được hiểu là loại ngụy biện mà người tranh luận suy diễn vô căn cứ luận điểm của đối phương rồi phê phán chính sự suy diễn ấy. Trong một số tác phẩm loại ngụy biện này mang tên: “ Nhét chữ vào miệng người khác hay ngụy biện rơm” thì đều là dạng này.
Ví dụ: A và B đang tranh luận về việc sống thử trước hôn nhân, A ủng hộ còn B phản đối. B chỉ trích A bằng luận điểm: “ Sở dĩ anh ủng hộ vì nó mang lại lợi ích cho anh và nó giúp anh có thể sống thử với ai đó anh thích”. Như vậy B đã mang lại cuộc tranh luận một luận điểm không liên quan gì luận đề đang được bàn cãi và nhằm mục đích công kích A.
1.2.2.17. Loại ngụy biện từ ngữ:
Loại ngụy biện này thường được sử dụng rất nhiều trong cách hành văn của người Việt. Nó có thể được xem là loại ngụy biện lạm dụng từ ngữ hay đánh vào sự không biết của người nghe.
Loại ngụy biện này thường thêm vào câu văn những từ như: “ Nói chung”, “ Dưới góc độ nào đó” hay “ theo cách hiểu nào đó”, hay “ trong tính tương đối nào đó”. Những từ ngữ này chúng ta thường dùng như lời chốt một ý cuối cùng cho luận điểm thế nhưng để cụ thể một cách tiếp cận, người trình bày cần làm rõ “ cái gì đó” hay “ cái nào đó” thành một cái cụ thể – cái hướng tiếp cận vấn đề – mà người trình bày đang nói đến. Còn sử dụng nó một cách vô cớ sẽ dẫn đến sự ngụy biện.
Ví dụ: bàn về kẹt xe trong thành phố có ý kiến cho rằng: “ Theo một cách hiểu nào đó, việc kẹt xe cũng giúp con người có thời gian tĩnh tâm lại sau những thời gian chạy đua cùng cuộc đời, nên xét dưới góc độ nào đó, nó cũng có lợi cho con người”.
Reblogged this on .:H.Q.M:.'s Blog.
Reblogged this on now and then.